Bộ Tài chính nỗ lực cụ thể hóa chỉ đạo về cải cách kiểm tra chuyên ngành

Xây dựng dự thảo Nghị định sẽ làm cơ sở pháp lý để hiện thực hóa các nội dung cải cách tại Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu ban hành tại Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

0
449
Mô hình kiểm tra chuyên ngành phải mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã triển khai đầy đủ các bước theo đúng trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-BTC ngày 18/2/2021 ban hành Kế hoạch triển khai của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2023.

Ban hành Quyết định số 923/QĐ-BTC ngày 5/5/2021 về việc thành lập Tổ triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ban hành Quyết định số 922/QĐ-BTC ngày 5/05/2021 về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định với sự tham gia của Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định, đại diện Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp tại phía Bắc và phía Nam và một số cục hải quan tỉnh, thành phố.

Đặc biệt Bộ đã họp bàn trực tiếp với một số bộ quản lý chuyên ngành về dự thảo Nghị định như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương; họp bàn với từng nhóm doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

Song song, Bộ Tài chính đã có công văn gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp, Tổ chức đánh giá sự phù hợp và các đơn vị liên quan về dự thảo Nghị định và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ Tài chính đã đã cùng với Tổ biên tập nghiêm túc tổng hợp, phân tích, tiếp thu các ý kiến đóng góp và cũng có giải trình cụ thể các ý kiến để chỉnh lý Nghị định qua nhiều vòng dự thảo.

Đến nay, về cơ bản, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến tham gia của các đơn vị, tổ chức, phần lớn các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình cao với yêu cầu cải cách của Chính phủ; qua trao đổi với VCCI thì có đến 92% doanh nghiệp được lấy ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị định.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, về cơ bản các ý kiến tham gia của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các tổ chức quốc tế, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tại các buổi hội thảo trực tiếp hoặc gửi bằng văn bản, email Bộ đều nghiêm túc tiếp thu hoặc có giải trình cụ thể.

Hiện nay dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được đăng tải 2 lần trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước, đặc biệt là các đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Nghị định.

(Theo Hải quan)