Bãi bỏ, dừng các quy định làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021.

0
665

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 107/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021.

Chính phủ yêu cầu các cơ quan, địa phương bãi bỏ, dừng thực hiện các quy định không phù hợp, làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo xử lý và công bố công khai.

Bãi bỏ, dừng các quy định làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa

Nghị quyết của yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vận tải, lưu thông hàng hóa trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, thông suốt trong thực hiện và an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng với đó là xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh, yêu cầu các cơ quan, địa phương bãi bỏ, dừng thực hiện các quy định không phù hợp, làm cản trở giao thông, lưu thông hàng hóa; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo xử lý và công bố công khai. Giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo việc này.

Tập trung lập dự án và tổ chức triển khai đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc cho Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) khẩn trương tổ chức kiểm tra, xử lý dứt điểm vấn đề quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết 60/2021 của Chính phủ.

Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch, nhất là xử lý chất thải phát sinh tại các vùng dịch; tổ chức theo dõi sát tình hình thiên tai, kịp thời cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo để các cấp, các ngành và nhân dân chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, hạn hán.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, rút ngắn thời gian nhằm tạo điều kiện tiếp cận chính sách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời tiếp tục rà soát, kiến nghị chính sách mới nhằm hỗ trợ người lao động, người dân, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bảo đảm làm tốt công tác an dân, an sinh xã hội.

Chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức cho người lao động quay trở lại làm việc kịp thời sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ quan, địa phương liên quan xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, cung cấp, tiếp nhận, xử lý dịch vụ công hỗ trợ giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 10/2021, trong đó cho phép người lao động nộp bản chụp một trong các giấy tờ theo quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả “ngoại giao vaccine”

Bộ Ngoại giao chủ động chuẩn bị tốt các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao từ nay đến cuối năm; tăng cường thông tin đối ngoại. Tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả “ngoại giao vaccine”; thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động ngoại giao phù hợp để thúc đẩy giải tỏa ách tắc đối với xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu, nhất là hàng nông sản.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ và triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đúng đối tượng. Phối hợp với Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Tài chính đề xuất phương án tiếp tục hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ nguồn quỹ bảo hiểm theo quy định, đúng đối tượng, tiết kiệm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam chủ động phối hợp với cơ quan chức năng liên quan thông tin kịp thời, chuẩn xác, toàn diện về tình hình đất nước, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch, phổ biến các kiến thức về phòng, chống dịch, nhu cầu dinh dưỡng và về y tế dự phòng.

Biểu dương, khích lệ, động viên các tấm gương tốt, điển hình, phổ biến cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch. Xây dựng các phóng sự, chuyên đề để khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quản lý hiệu quả của các cấp chính quyền trong mọi mặt công tác, nhất là những vấn đề chuyển hướng có tính chiến lược, hiệu quả.

(Theo Giao thông)