Một trong những vấn đề đã được Tạp chí Hải quan thông tin đó là có nhiều lô hàng được đưa về bảo quản để KTCN nhưng chậm nộp thông báo kết quả kiểm tra, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát hải quan, về phía doanh nghiệp cũng chưa thể đưa hàng hóa vào lưu thông. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, có những doanh nghiệp lợi dụng việc được phép đưa hàng về bảo quản chờ kết quả KTCN, đã tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa có kết quả kiểm tra.
Như trường hợp mới đây, ngày 17/3/2021, Công ty TNHH Đầu tư & XNK A. H. đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc. Cùng ngày, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng Chi cục Hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho riêng của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại. Ngày 19/3/2021, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I ban hành thông báo kết quả giám định. Khi cơ quan chức năng kiểm tra kho lưu giữ bảo quản hàng hóa của doanh nghiệp thì toàn bộ lô hàng đã được doanh nghiệp tự ý đưa đi tiêu thụ, dù chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan.
Thời gian qua, trong số các vụ việc tự ý đưa hàng mang về bảo quản ra thị trường tiêu thụ đã có những doanh nghiệp bị cơ quan Hải quan khởi tố vụ án hình sự, như trường hợp: Công ty TNHH Nông Sinh mở tờ khai hải quan NK trên 250 tấn phân hữu cơ các loại, xuất xứ Trung Quốc, trị giá 85.840 USD. Trong thời gian chờ kiểm tra chất lượng hàng hóa, DN có văn bản xin đưa hàng hóa về bảo quản tại kho riêng và cam kết không tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chuyên ngành. Tuy nhiên, trong thời gian này, DN đã tự ý đưa hàng ra thị trường tiêu thụ. Hay trường hợp Công ty TNHH Pet Prince tự ý tiêu thụ lô hàng thức ăn cho chó nhập khẩu trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chất lượng.
Những tồn tại xung quanh KTCN đối với hàng hóa XNK không chỉ ở khía cạnh thời gian hay những vi phạm trong việc đưa hàng về bảo quản. Thực tế, khi thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu, cơ quan Hải quan đã chứng kiến nhiều tình huống phát sinh trong hoạt động XNK hàng hóa.
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Đội trưởng Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TPHCM) cho biết, đơn vị tiếp nhận tờ khai nhập khẩu 5 bộ máy tính bảng có thu phát vô tuyến của Công ty TNHH H. nhưng hồ sơ bị “treo” gần 1 tháng vì doanh nghiệp chưa bổ sung giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, một số mặt hàng nhập khẩu như đồng hồ nước, công tơ điện, đồng hồ xăng dầu, đèn Led… qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, doanh nghiệp thường bị vướng về KTCN.
Tại Cục Hải quan Bình Dương, trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp, bà Ngô Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước cho biết, vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay trên thực tế không phải trường hợp nào cũng chậm. Chẳng hạn như KTCN an toàn thực phẩm lĩnh vực kiểm dịch thực vật, động vật đã thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia nên khi doanh nghiệp đăng ký, cơ quan Hải quan tra cứu hồ sơ, cho phép DN đưa hàng về bảo quản, sau 3-5 ngày có kết quả thì sẽ thực hiện thông quan. Tuy nhiên, cũng có nhiều tờ khai thủ tục hải quan đã giải quyết xong, nhưng cơ quan Hải quan phải chờ doanh nghiệp bổ sung đủ giấy tờ mới thông quan được.
Chẳng hạn như mặt hàng nồi hơi, máy nén khí phải kiểm tra chất lượng bên an toàn lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hay mặt hàng văn hóa phẩm bị chậm có kết quả KTCN vì phải qua nhiều công đoạn, thủ tục. Doanh nghiệp thường phải chờ giấy KTCN đến hạn cuối 30 ngày.
“Một số mặt hàng KTCN phải thực hiện bản giấy thường rất lâu. Nhanh nhất cũng phải mất 2, 3 tuần mới có kết quả. Cơ quan Hải quan phải thực hiện đôn đốc DN để giúp DN không bị chậm”-lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước cho biết.
Thời gian qua, tại Chi cục Hải quan KCN Mỹ Phước đã gặp một số trường hợp doanh nghiệp bị vướng mắc về giấy đăng ký kiểm tra hiệu suất năng lượng của Bộ Công Thương. Cụ thể, doanh nghiệp nhập mô tơ về muốn được thông quan hàng hóa phải đóng gói sản phẩm gửi ra cơ quan chuyên ngành tại Hà Nội để xin giấy phép KTCN về hiệu suất năng lượng với chi phí vận chuyển khoảng 6 triệu đồng. Trong khi nhiều DN chỉ nhập vài cái mô tơ về phục vụ cho máy móc dây chuyền sản xuất trong nhà xưởng của doanh nghiệp nên với bất cập về thủ tục, chi phí nên nhiều doanh nghiệp “nản” đã thực hiện thủ tục tái xuất.
Ghi nhận từ Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan Bình Dương, ngoài số lượng tờ khai hàng hóa nhập khẩu phải KTCN thì hàng hóa XNK thuộc diện quản lý chuyên ngành cũng khá lớn. Tại Cục Hải quan TPHCM, tính đến tháng 2/2021, số lượng tờ khai lĩnh vực kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gần 1.700 tờ khai; giấy phép nhập khẩu trên 1.600 tờ khai; phê duyệt khai báo hóa chất gần 400 tờ khai; đăng ký lưu hành gần 400 tờ khai…
Theo Cục Hải quan TPHCM, chỉ tính riêng trong tháng 2/2021, tổng số tờ khai hải quan làm thủ tục qua các cửa khẩu TPHCM là gần 140.000 tờ khai, số tờ khai phải KTCN trên 5.000 tờ khai, chiếm tỷ lệ 3,62% trên tổng số tờ khai hải quan. Trong số đó, số lượng tờ khai hải quan phải kiểm dịch chiếm nhiều nhất, với gần 2.000 tờ khai, chiếm 1,44% tổng số tờ khai; trên 1.400 tờ khai hải quan phải kiểm tra chất lượng; gần 900 tờ khai phải kiểm tra an toàn thực phẩm và trên 700 tờ khai liên quan đến lĩnh vực kiểm tra văn hóa. Tỉ lệ mặt hàng phải KTCN tại Cục Hải quan TPHCM chủ yếu tập trung ở các chi cục hải quan cửa khẩu cảng biển, sân bay.
Tại Cục Hải quan Bình Dương, tổng số lô hàng/tờ khai hải quan thuộc diện KTCN làm thủ tục hải quan tại đơn vị năm 2020 là 27.160 lô. Theo ông Huỳnh Trịnh Thanh, Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Bình Dương, hàng hoá XNK của các DN làm thủ tục hải quan tại đơn vị đa dạng và nhiều chủng loại khác nhau. Trong đó, có một số nhóm mặt hàng chủ yếu là hàng nhập khẩu phải đăng ký KTCN về chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật…
Đa số các DN làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện phải KTCN đều đáp ứng tốt các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật… theo quy định của Nhà nước, chỉ có một vài DN vi phạm về thời hạn nộp thông báo kết quả KTCN (các DN này đã bị xử phạt vi phạm hành chính).
Theo ông Huỳnh Trịnh Thanh, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình thực hiện cũng còn tồn tại nhiều bất cập như văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động KTCN quá nhiều, có những quy định chưa được hướng dẫn đầy đủ, thiếu thống nhất. Vẫn còn tình trạng xung đột trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, trong khi đó, hiệu quả kiểm tra không cao. Trong vòng 5 năm tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng chưa đến 0,03% so với tỉ lệ mẫu đưa ra.
Thời hạn thông báo kết quả KTCN của các cơ quan KTCN chưa được quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng trong các văn bản pháp luật về KTCN dẫn đến kéo dài thời gian thông quan cho một lô hàng, làm phát sinh chi phí lưu kho bãi, làm mất đi tính cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp bị phạt đền hợp đồng do giao hàng hoá chậm trễ hoặc bị từ chối nhận hàng – đại diện phòng Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan Bình Dương cho biết. |