Lãnh đạo hãng tàu nghi ngờ khả năng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

0
6886
Các tập đoàn liệu có dễ dàng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc không?

Sự thống trị trong lĩnh vực thương mại thế giới của Bắc Kinh sẽ khiến việc loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu trở thành một nhiệm vụ vô cùng khó khăn

Các tập đoàn đang mở rộng hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro do căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhưng sự thống trị của Trung Quốc trong thương mại thế giới khiến việc loại bỏ quốc gia này ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là điều bất khả thi, lãnh đạo của một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới nhận định.

Ông Michael Fitzgerald, Phó giám đốc tài chính của Orient Overseas Container Line (OOCL), một hãng tàu có trụ sở chính tại Hồng Kông và là thành viên của COSCO, hãng tàu sở hữu nhà nước của Trung Quốc, cho biết: “Căn cứ vào quy mô hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, tôi thấy nhiều người có vẻ là đang phóng đại tác động của chiến lược ‘Trung Quốc + 1’”.

Trao đổi với Financial Times hồi tháng 4 vừa qua, ông thừa nhận “Chuyện đó rõ ràng là đang diễn ra”, khi đề cập đến chiến lược của các tập đoàn đang dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.

“Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng quy mô tuyệt đối của Trung Quốc lớn đến mức ngay cả khi Việt Nam tăng trưởng với ở một con số lớn hơn [và] nếu Trung Quốc tăng trưởng ở quy mô thấp hơn hơn, thì tăng trưởng từ Bắc Kinh vẫn là chiếm tỷ lệ rất lớn trong chuỗi cung ứng.”

Những ông lớn như Apple, Samsung, Sony và Adidas nằm trong số các tập đoàn đa quốc gia đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á trong vài năm qua, trong khi Siemens cũng đang cân nhắc đầu tư vào khu vực này để giảm rủi ro chuỗi cung ứng.

Trong khi Fitzgerald thừa nhận rằng các công ty đã thực hiện “điều chỉnh” và chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc do chi phí lao động thấp hơn và để quản lý rủi ro tốt hơn, “đó sẽ là chuyển dịch kiểu tăng theo từng chút một, chứ không phải kiểu mọi doanh nghiệp đều thu dọn hết đồ đạc và bỏ đi”.

“Điều đó là không thể,” ông nói. “Một doanh nghiệp làm thế nào để có thể dịch chuyển sản xuất ngay như vậy?”

Theo dữ liệu từ Alphaliner, thì đội tàu của OOCL cùng với công ty mẹ (COSCO) đang chiếm khoảng 11% thị phần sức chở container toàn cầu.

Nhận xét của Fitzgerald được đưa ra sau khi tỷ trọng lượng container nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc đã giảm 10 điểm phần trăm so với một năm trước xuống còn khoảng 32%, theo thông tin từ tập đoàn công nghệ logistics Descartes, trong khi so với cùng kỳ, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Ấn Độ và Thái Lan vào Mỹ đã tăng nhẹ tương ứng 5% và 4%.

OOCL cho biết họ đang đa dạng hóa phát triển trên nhiều tuyến vận chuyển hàng hóa khác nhau và mở rộng thêm các tuyến mới ở các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Tàu container mới nhất của hãng — và cũng là một trong những tàu container lớn nhất thế giới — đã cập cảng Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa qua trong chuyến hành trình Á-Âu đầu tiên của tàu, hoạt động này, theo ông Fitzgerald, đã phản ánh sự thích nghi với tiêu chí “nơi có hàng thì sẽ có tàu”.

Tàu OOCL Spain với sức chở lên đến 24.188 TEU, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, đã cập cảng Gemalink tại Cái Mép vào cuối tháng 3/2023. Nguồn ảnh: Gemadept.

Lãnh đạo của hãng tàu Hong Kong nói tiếp: “Chúng tôi đã phát triển rất nhiều ở các thị trường mới nổi — như Châu Phi, Châu Mỹ Latinh — trong những năm gần đây. Đương nhiên là cả Đông Nam Á. Tất nhiên chúng tôi đang có cách tiếp cận thị trường đa dạng. Nhưng bạn thử nhìn xem, thương mại Mỹ-Trung vẫn là một thị trường khổng lồ… và chúng ta đang nói về rất nhiều loại sản phẩm khác nhau.”

OOCL cho biết họ đã có năm tăng trưởng kỷ lục vào năm 2022, với doanh thu tăng 18% so với năm trước, lên mức 19,8 tỷ USD, ngay cả khi vào thời điểm cuối năm 2022, mức cước vận chuyển tăng vọt do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch, đã bắt đầu giảm xuống.

Ông Fitzgerald dự báo một triển vọng “khó đoán” trong năm nay khi những gã khổng lồ vận chuyển như Maersk đã cảnh báo về “cái kết đột ngột” đối với sự bùng nổ vận tải container đường biển. OOCL ghi nhận doanh thu quý đầu tiên năm 2023 đã giảm đến 58% so với năm ngoái, xuống còn 2,2 tỷ USD.

Ông cho biết doanh thu trong năm nay “sẽ không giống như vài năm trước”, nhưng OOCL đã giảm được nhiều khoản nợ và đang rủng rỉnh tiền mặt hơn.

Tập đoàn trị giá 14 tỷ USD Orient Overseas International (OOIL) là công ty mẹ trực tiếp của OOCL, OOIL đã được COSCO hoàn tất mua lại vào năm 2018. Sự kết hợp giữa OOCL và COSCO đã tạo ra hãng tàu container lớn nhất châu Á và đứng thứ 4 trên thế giới về sức chở đội tàu.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Financial Times