Theo ban soạn thảo, tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Đây là một bước cải cách lớn trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm và là lần đầu tiên trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành có áp dụng nguyên tắc đánh giá rủi ro và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Do vậy, kế thừa quy định và thực tiễn tốt nêu trên và để thống nhất trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, dự thảo Nghị định đã mở rộng áp dụng các phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm trong kiểm tra chất lượng.
Tại dự thảo Nghị định phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm quy định như sau:
“Các phương thức kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm. Hàng hóa nhóm 2 thuộc Danh mục hàng hóa phải kiểm tra theo phương thức kiểm tra chặt từng lô hàng nhập khẩu theo quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này phải kiểm tra chất lượng từng lần nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt, không được chuyển đổi phương thức kiểm tra.
Việc kiểm tra chất lượng đối với phương tiện được áp dụng theo phương thức kiểm tra chặt và phương thức kiểm tra xác suất.
Tổ chức, cá nhân tra cứu Cổng thông tin một cửa quốc gia để xác định phương thức kiểm tra và nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo phương thức phù hợp”.
Theo đánh giá của ban soạn thảo, việc xác định phương thức kiểm tra được công khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và doanh nghiệp có thể tự tra cứu để thực hiện các thủ tục kiểm tra cho phù hợp với từng phương thức được thông báo.
Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định cũng cho phép doanh nghiệp được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa đã nhập khẩu trước đó để thực hiện thủ tục cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo.
Lợi ích mang lại của việc áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra giúp cắt giảm số lần phải kiểm tra, số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực, ngày công, thời gian thông quan cho doanh nghiệp, từ đó giúp cắt giảm chi phí xã hội không cần thiết.
Chuyển đổi phương thức kiểm tra được thực hiện theo hướng: hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt được chuyển sang phương thức kiểm tra thông thường; hàng hóa đã có 3 lần liên tiếp đạt yêu cầu nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.
Doanh nghiệp không phải gửi văn bản yêu cầu để được áp dụng kiểm tra giảm mà hệ thống công nghệ thông tin và cơ quan kiểm tra nhà nước tự động xác định hàng hóa được miễn giảm kiểm tra. Việc áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phụ thuộc vào mức độ rủi ro, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa nhập khẩu (ví dụ, đối với hàng hóa có độ rủi ro cao như vật liệu nổ, thuốc thú y… phải kiểm tra chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa).
Bộ Tài chính thống nhất với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xác định cụ thể các mặt hàng cần kiểm soát đặc biệt để áp dụng phương thức kiểm tra và chuyển đổi phương thức kiểm tra phù hợp trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết quy trình, thủ tục kiểm tra.
Cải cách 4 được đưa ra là thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Tức là áp dụng phương thức kiểm tra, chuyển đổi phương thức kiểm tra từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, từ kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm thực hiện đối với hàng hóa giống hệt, không phân biệt nhà nhập khẩu để cắt giảm một số bước kiểm tra không cần thiết và cắt giảm tỷ lệ kiểm tra đối với cùng một mặt hàng. Người nhập khẩu chịu trách nhiệm với lô hàng nhập khẩu và sẽ bị xử lý theo quy định nếu hàng hóa không đạt chất lượng.
Nội dung cải cách này đã thể chế hóa cải cách 2, cải cách 4 tại Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm traCụ thể, phương thức kiểm tra chặt: là việc kiểm tra hồ sơ kết hợp lấy mẫu chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm;Phương thức kiểm tra thông thường: là việc kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm;Phương thức kiểm tra giảm: là việc kiểm tra hồ sơ ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm của năm liền kề trước đó. |