Sản lượng vận tải đường biển thực tế đã có hồi phục kể từ nửa cuối năm 2020 khi việc tiêm vaccine Covid-19 được triển khai mạnh mẽ trên thế giới. Các nền kinh tế phục hồi giúp nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và nguyên vật liệu tăng mạnh, qua đó tác động tích cực đến thị trường vận tải biển quốc tế.
Ngành cảng biển cũng ghi nhận tình trạng tắc nghẽn và gián đoạn nguồn cung tàu càng trở nên nghiêm trọng, đẩy giá cước vận chuyển lên mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó ngành hàng không gặp khó khăn cũng gián tiếp giúp thúc đẩy hoạt động vận tải biển.
Bối cảnh sôi động này đang giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận những kết quả khả quan.
Hưởng lợi từ sản lượng tăng
Báo cáo sơ kết nửa đầu năm, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 6.220 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất cao đột biến 1.118 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi 134 tỷ đồng.
Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của các cảng VIMC đạt 47,9 triệu tấn hàng, tăng 8% so với cùng kỳ và chiếm hơn 13% tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của cả nước. Trong số đó, cảng Hải Phòng có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất đạt hơn 12 triệu tấn, tiếp sau là cảng Sài Gòn đạt 6,55 triệu tấn.
Tổng công ty này đang quản lý hầu hết cảng biển lớn trên cả nước như Cảng Hải Phòng, Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn… Ngoài ra các nhóm cảng liên doanh ở phía nam cũng đạt lợi nhuận cao, chiếm 35% thị phần container khu vực cảng Cái Mép Thị Vải.
Khối vận tải biển sau một thời gian dài thua lỗ thì đã bắt đầu có lợi nhuận khi nhiều tàu đã ký được hợp đồng cho thuê với giá tốt so với năm trước. Sản lượng vận tải biển đạt hơn 12 triệu tấn.
Khối tư nhân cũng có kết quả tích cực. Lãnh đạo Gemadept gần đây ước tính doanh thu bán niên đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận trước thuế ước đạt 388 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ năm ngoái.
Công ty tư nhân này đang sở hữu nhiều cảng biển tại các vị trí sôi động nhất cả nước như tại cụm cảng Hải Phòng và TP.HCM. Kế hoạch tăng trưởng năm 2021 của công ty dự kiến đến từ động lực chính là khối khai thác cảng. Gemadept đặt mục tiêu tăng thị phần khai thác cảng từ 11% năm ngoái lên 19% năm 2021 và hướng đến 23% vào năm 2025, nhờ đầu tư mạnh vào cảng Gemalink và Nam Đình Vũ.
Cảng Đồng Nai có lợi thế cạnh tranh khai thác hàng container khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận phía Nam cũng ghi nhận kết quả tích cực. Doanh thu nửa đầu năm tăng 38% lên 468 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 35% lên 68 tỷ đồng và hoàn thành 63% kế hoạch cả năm.
Cảng Cần Thơ tập trung khai thác ở Đồng bằng sông Cửu Long công bố doanh thu bán niên lên 68 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Hay như Cảng Cát Lái tại khu vực TP.HCM có doanh thu tăng 3% lên gần 97 tỷ đồng.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp vẫn ghi nhận sụt giảm sản lượng trong giai đoạn vừa qua, nhất là khu vực phía Bắc. Cảng Quảng Ninh thuộc Tập đoàn T&T công bố doanh thu nửa đầu năm giảm 13% xuống 597 tỷ đồng, nhưng lãi ròng vẫn tăng 68% nhờ biên lãi gộp tốt và tiết giảm chi phí.
Cảng Đoạn Xá cũng gặp khó khăn do sản lượng thông qua cảng giảm. Công ty có doanh thu hơn 40 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 19 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và 6% cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng trưởng chung trong kinh doanh đang giúp cổ phiếu cảng biển được đánh giá khả quan, trở thành một trong những nhóm cổ phiếu có đà tăng mạnh kể từ đầu năm, một số mã đáng chú ý như HAH, MVN, CCR…
Triển vọng tăng trưởng 9-10%/năm
Theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 6 tháng đầu năm đạt gần hơn 364 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng hàng container đạt hơn 12,4 triệu Teus, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá đây là mức tăng trưởng ổn định dù là những tháng có dịch Covid-19. Các khu vực cảng biển có khối lượng hàng hóa thông qua tăng cao như khu vực Thái Bình tăng trưởng cao nhất đến 65%, tiếp đến là khu vực Đồng Tháp, khu vực Quảng Ngãi, Kiên Giang…
Khu vực TP.HCM vẫn là nơi có lượng hàng thông qua lớn nhất cả nước ghi nhận mức tăng gần 8,5% hay như khu vực năng động tại cụm cảng Hải Phòng cũng có mức tăng 15,6%. Một số khu vực cảng có sản lượng giảm phải kể đến cụm cảng Mỹ Tho, Cần Thơ, Quảng Ninh.
Cục Hàng hải Việt Nam dự báo tổng khối lượng hàng hóa qua cảng biển trong 7 tháng đầu năm sẽ tăng 65 lên hơn 425 triệu tấn, trong đó lượng hàng container tăng 21%, đạt 14,7 triệu teu.
Theo dự báo của SSI Research, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam và tổng sản lượng hàng hóa quốc tế qua cảng biển sẽ tăng 10% trong năm nay nhờ yếu tố phục hồi toàn cầu, động lực từ các hiệp định FTA mới có hiệu lực và kỳ vọng tăng trưởng dòng vốn FDI nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích KBSV kỳ vọng ngành cảng biển có thể giữ được mức tăng trưởng kép 9%/năm trong 5 năm tới dựa trên tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì 10- 12%/năm, dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, ảnh hưởng các hiệp định FTA và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.