Sửa đổi quy định về trị giá hải quan làm rõ phương pháp tính, tỉ giá

Vấn đề về trị giá hải quan sẽ có sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tính khách quan, cân đối tổng thể trong văn bản quy phạm pháp luật.

0
855

Cụ thể, các nội dung về trị giá hải quan được quy định từ Điều 20 đến Điều 22a Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.

Theo Tổng cục Hải quan, quy định hiện hành đã phát sinh vướng mắc cần tháo gỡ. Tại Điều 20 Nghị định đã quy định cụ thể nguyên tắc và các phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhưng đối với hàng nhập khẩu mới chỉ quy định về nguyên tắc, không quy định cụ thể các phương pháp. Do vậy, chưa đảm bảo tính cân đối tổng thể trong văn bản quy phạm pháp luật.

Về kiểm tra, xác định trị giá, Điều 21 Nghị định quy định khi bác bỏ trị giá thì cơ quan Hải quan phải chờ người khai hải quan khai bổ sung trong 5 ngày làm việc, nếu không khai bổ sung hoặc khai bổ sung không phù hợp với thông báo trị giá thì cơ quan Hải quan mới ấn định thuế.

Do vậy cơ quan Hải quan phải bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi việc khai bổ sung đối với từng tờ khai hải quan để xử lý. Mặt khác, quy định này chưa phù hợp với điểm đ và điểm h khoản 1 Điều 52 Luật quản lý thuế về ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (cơ quan Hải quan có đủ bằng chứng xác định về việc khai báo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế và cơ quan hải quan phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật), khi đã bác bỏ trị giá kê khai thì quyền xác định giá là của cơ quan Hải quan.

Về tỷ giá, theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định thì sử dụng tỷ giá tính thuế là tỷ giá do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cung cấp, gửi cho Tổng cục Hải quan (trường hợp loại ngoại tệ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam không công bố tỷ giá thì sử dụng tỷ giá do Ngân hàng nhà nước công bố: Kíp Lào, Đô la Newzealand, Đồng UAE Dirham…).

Mặc dù tỷ giá tính thuế đối với các loại ngoại tệ đều được ngân hàng Nhà nước công bố. Quá trình theo dõi biến động tỷ giá trong thời gian qua, thì tỷ giá do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam công bố không chênh lệch nhiều so với tỷ giá tính thuế do Ngân hàng Nhà nước công bố. Mặt khác, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam là ngân hàng cổ phần, thương mại và không phải là ngân hàng duy nhất kinh doanh ngoại hối.

Chính vì thế, Tổng cục Hải quan dự kiến sửa đổi, bổ sung Điều 20 theo hướng bổ sung tên các phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu (nêu tên của phương pháp tương tự như Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC), đồng thời kết cấu lại để quy định cửa khẩu xuất và cửa khẩu nhập đầu tiên thành một khoản riêng.

Sửa đổi, bổ sung Điều 21 theo hướng: về kiểm tra, xác định trị giá, trường hợp cơ quan Hải quan đủ cơ sở bác bỏ trị giá khai báo sau tham vấn thì xác định trị giá hải quan, ấn định thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thông quan hàng hóa; trường hợp chưa đủ cơ sở bác bỏ thì cơ quan Hải quan thông quan theo trị giá khai báo.

Về sử dụng tỷ giá tính thuế, để đảm bảo tính khách quan, ban soạn thảo đề xuất sử dụng tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước công bố để tính thuế. Cụ thểm, tại dự thảo Nghị định quy định: “Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định trị giá tính thuế là tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với một số ngoại tệ để xác định trị giá tính thuế (riêng đồng đô la Mỹ là tỷ giá mua vào tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên trang điện tử tại thời điểm của ngày thứ năm tuần trước liền kề hoặc là tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ. Tỷ giá này được sử dụng để xác định tỷ giá tính thuế cho các tờ khai hải quan đăng ký trong tuần tiếp theo.

(Theo Hải quan)