Sáng ngày 1/8/2021, hàng loạt tờ báo lớn trong nước như SGGP, báo Chính phủ, Zing News… chạy những dòng tít “Cát Lái ngưng tiếp nhận hàng hóa”, “Cát Lái ngưng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu”, “Tân Cảng Cát Lái tạm ngưng tiếp nhận hàng hóa”…
Nhưng, đây là thông điệp hoàn toàn sai.
Trong các bài viết, các báo đều có những thông tin chung như lượng container hàng nhập tồn bãi tại Cảng Tân Cảng Cát Lái đang tăng nhanh vì nhiều nhà máy, doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động do yêu cầu phòng chống dịch, hay cảng Cát Lái tạm ngưng tiếp nhận hàng nhập khẩu của những doanh nghiệp, khách hàng đang ngừng sản xuất và khuyến khích các chuyến tàu vào cảng chỉ nhận hàng xuất khẩu. Những nội dung này là đúng với những gì Tân Cảng Cát Lái phát đi trước đó.
Trong thông báo 2507/TB-TCg ngày 30/7/2021 của Tân Cảng Sài Gòn, đơn vị khai thác cảng Cát Lái, đơn vị này thông tin Cát Lái ngưng tiếp nhận hàng nhập của doanh nghiệp ngừng sản xuất. Nguyên nhân vì nếu lượng hàng này được dỡ xuống thì sẽ lưu lại bãi rất lâu, gây ách tắc bãi, ảnh hưởng đến năng lực khai thác cảng. Cát Lái cũng không tiếp nhận một số mặt hàng có khả năng ảnh hưởng đến dung lượng bãi như hàng siêu trường, siêu trọng, hàng quá khổ…
Tóm lại, Cát Lái vẫn nhận hàng xuất bình thường.
Tuy nhiên, không hiểu vì sao, các bài báo lại được giật những cái tít sai thông tin với nội dung trong bài như vậy?!
Những tựa bài như vậy sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.
Các thông điệp này có thể dẫn đến việc người đọc hiểu rằng Cát Lái sẽ không tiếp nhận hàng hóa nữa, kể cả hàng nhập và hàng xuất. Trong khi đó, Cát Lái là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa đóng container lớn nhất của Việt Nam, là cửa ngõ số 1 để giao nhận hàng nội Á và cũng là điểm trung chuyển hàng container hàng đầu đối với lượng hàng xuất đi châu Âu và Bắc Mỹ thông qua dịch vụ vận chuyển sà lan từ Cát Lái đi các cảng Cái Mép. Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang rất căng thẳng, hiện vẫn có những doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu và đang gồng mình đảm bảo đơn hàng. “Cát Lái ngưng tiếp nhận hàng hóa XNK” sẽ là cái tát vào những nỗ lực của họ.
Các bài báo bằng tiếng Anh, như bài trên SGGP, có thể khiến cho các cơ quan truyền thông nước ngoài hiểu lầm về hoạt động của Cát Lái, và khi họ chạy những tựa bài tương tự như bài của SGGP (Tan Cang Cat Lai Port temporarily suspends receipt of goods) trên báo quốc tế, Việt Nam sẽ gặp thêm rắc rối khi doanh nghiệp nước ngoài quan ngại về hoạt động khai thác tại đầu mối xuất nhập khẩu quan trọng nhất Việt Nam.
Nhiều khách hàng đã liên hệ với các đơn vị dịch vụ logistics và những người hiểu nội dung thông báo của Tân Cảng Sài Gòn đã phải rất vất vả để giải thích nội dung đúng đến doanh nghiệp.
Các thành viên của Tân Cảng Sài Gòn cũng phải “hoạt động hết công suất” trên các nhóm về logistics, Thủ tục hải quan và Xuất nhập khẩu để giải thích và để khắc phục hậu quả của fake news “Cát Lái ngưng tiếp nhận hàng hóa”.
Rất may, sau một buổi sáng sóng gió và ồn ào, nhiều tờ báo đã nhận ra sai lầm và sửa chữa. SGGP và Zing đều đã chỉnh tựa bài sang những cái tít thận trọng hơn, SGGP: “Cảng Cát Lái ngừng tiếp nhận hàng nhập khẩu của doanh nghiệp ngừng sản xuất”, Zing: “Cảng Cát Lái tạm ngừng tiếp nhận nhiều loại hàng hóa”.
Nhưng nhiều tờ báo khác, kể cả báo lớn và quan trọng, như báo Chính phủ, thì đến 18:00 vẫn chưa sửa tựa bài. May là báo Chính phủ chưa dịch bài sang tiếng Anh.
Đại dịch COVID-19 đã mang đến những khó khăn quá lớn cho các doanh nghiệp. Xuất nhập khẩu và logistics cũng là một mặt trận quan trọng. Chúng ta có thể chấp nhận hy sinh một phần về kinh tế để đảm bảo Thành phố an toàn vượt dịch, nhưng sự thiếu thận trọng của một nhóm thiểu số lại có thể mang lại những thông điệp gây tổn hại đến những doanh nghiệp vốn đang phải nỗ lực để vượt khó.
Mong sự thận trọng và tinh thần không câu view sẽ ở bên các nhà báo trong giai đoạn này.
Nền Logistix | Trung Tuân