Thưa ông, mặc dù trong vài năm vừa qua ngành logistics Việt Nam đã phát triển khá nhanh nhưng hạ tầng đường biển vẫn chưa theo kịp. Ông có nhận định thế nào về vấn đề này?
– Ông Trần Thanh Hải: Cả nước có 286 bến cảng thuộc 6 nhóm cảng biển, với chiều dài khoảng 95km cầu cảng (gấp hơn 4.5 lần năm 2000). Việt Nam đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 tấn tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) đến 214.000 tấn tại khu bến cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn liền với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hoá dầu, trung tâm nhiệt điện thân nhận tàu đến 200.000 tấn, hàng lỏng đến 150.000 tấn, dầu thô đến 320.000 tấn.
Việt Nam đã thiết lập được 32 tuyến, trong đó 25 tuyến vận tải quốc tế và 7 tuyến vận tải nội địa, trong đó ngoài các tuyến nội Á, khu vực phía Bắc đã khai thác 2 tuyến đi Bắc Mỹ; phía Nam đã hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và Châu Âu vượt trội hơn các nước khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Malaysia và Singapore). Hầu hết các cảng gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá và tạo động lực phát triển toàn vùng.
Theo số liệu sơ bộ của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước tính đạt hơn 703 triệu tấn tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%; hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với năm trước.
Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu TEU, tăng tới 12% so với năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, hóa chất, xi măng.
Mặc dù đã có những bước tiến lớn cả về thể chế và hạ tầng trong những năm gần đây, tuy nhiên với quy mô xuất, nhập khẩu hàng hóa liên tục tăng và phần lớn vẫn sử dụng đường biển, có thể nói thách thức đặt ra với ngành đường biển Việt Nam là rất lớn.
Xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào 38 hãng tàu nước ngoài và xung quanh đó rất nhiều điều bất cập. Liệu Việt Nam có thể có một đội tàu riêng trong tương lai được không, thưa ông?
– Ông Trần Thanh Hải: Thực chất, Việt Nam đã có một số lượng tàu biển nhất định, nhưng phân tán ở nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ, không tập trung, các con tàu có thời gian khai thác đã cao, trong khi xu thế của vận tải biển hiện nay là container hóa thì số tàu container của ta còn rất ít, tải trọng nhỏ.
Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động quốc tế dẫn đến các hãng tàu Việt Nam không có được nhiều đơn hàng quốc tế.
Để có một hãng tàu của Việt Nam, cần một doanh nghiệp có ý chí quyết tâm cao, khả năng huy động đầu tư tốt và chính sách quản lý chất lượng, tiếp cận thị trường ở tầm quốc tế. Chúng ta đã có những hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways vươn ra quốc tế, nhất là trong những năm gần đây liên tiếp thiết lập các tuyến bay thẳng đến Châu Âu và Hoa Kỳ, có những hãng sản xuất ôtô đã tiến mạnh ra thị trường nước ngoài. Nếu trong lĩnh vực đường biển cũng có những doanh nghiệp tiên phong như trên thì khả năng Việt Nam có một hãng tàu container riêng, có thể đảm nhiệm các tuyến nội Á cũng như sang Bờ Tây Hoa Kỳ là có thể được.
Xin ông cho biết năm 2021 vừa qua có ý nghĩa thế nào đối với chính sách phát triển logistics?
– Ông Trần Thanh Hải: Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030. Đầu năm 2021, dịch bệnh bùng phát tại Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước và giữa Việt Nam với thị trường các nước. Năm 2021 cũng là năm mà kinh tế – xã hội Việt Nam chịu tác động nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, với những đợt giãn cách xã hội và gián đoạn sản xuất, lưu thông kéo dài.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách liên quan đến logistics, để một mặt vẫn đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ; mặt khác định hình các hướng đi mới, thậm chí mang tính bứt phá cho ngành logistics Việt Nam, góp phần giải tỏa áp lực trong thời kỳ giãn cách xã hội vì dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.
Nghị quyết Đại hội XIII cũng thông qua các đột phá chiến lược, trong đó có đột phá: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”. Đây cũng là định hướng rất quan trọng đối với phát triển logistics của nước ta trong thời gian tới, cả về hạ tầng phần cứng và phần mềm cho sự phát triển đột phá và bền vững của logistics.
Ngày 22.2.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg, theo đó đặt mục tiêu “Đến năm 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”. Quyết định sẽ là căn cứ quan trọng cho việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm phát triển logistics quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Quyết định số 531/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1.4.2021 phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, trong đó có logistics.
Theo (Lao động)