“Ứng dụng tăng giá cước để bù giá xăng thì tài xế như mình có thêm thu nhập. Vui thì cũng vui nhưng lại thêm nỗi lo mất khách vì giá cước tăng cao, hành khách họ không đi nữa hoặc chuyển sang ứng dụng khác”, anh Quyết – tài xế taxi công nghệ của một ứng dụng gọi xe tại TP.HCM – chia sẻ.
Theo anh Quyết, mỗi ngày đi làm anh chạy xe khoảng 200-250 km, chi phí đổ xăng mất khoảng 500.000 đồng. “Ngày trước giá xăng rẻ hơn, mỗi ngày đổ xăng mình chỉ mất khoảng 350.000 tới 400.000 đồng. Nếu ứng dụng không tăng giá cước thì sau khi trừ chi phí xăng, chi phí khấu hao xe, thuế và hoa hồng cho ứng dụng, thu nhập thực tế của mình không còn bao nhiêu”, tài xế này cho hay.
Tăng cước để tài xế đổ xăng
Còn theo anh Nhân, một tài xế taxi công nghệ khác tại TP.HCM, anh đã tính tới phương án chuyển sang nghề khác nếu giá xăng tiếp tục tăng cao mà giá cước thì đứng yên.
“Mình nhẩm tính một ngày chạy khoảng 15 cuốc xe, cả đường đi và quãng đón khách thì hết gần 200 km, tính ra là hơn 400.000 đồng tiền xăng. Trừ thêm 37% hoa hồng cho ứng dụng, mỗi cuốc xe thu về trung bình 80.000 đồng tiền cước, vậy tính ra mỗi ngày thu nhập chỉ được khoảng 350.000 đồng chưa kể khấu hao xe”, anh Nhân nói.
Tài xế này cho rằng mức thu nhập như vậy là quá thấp so với sức lao động mà anh bỏ ra, cũng như lo lắng về việc nếu giá xăng tiếp tục tăng cao sẽ “ăn” hết vào phần thu nhập của mình.
“Tình hình thế giới thì vẫn căng thẳng, giá xăng có khi còn lên cao nữa, lúc đó nếu ứng dụng không tăng giá cước thì chắc chắn mình phải tìm phương án khác”, anh Nhân nói.
Giá xăng tăng cao đã khiến các ứng dụng gọi xe buộc phải điều chỉnh giá cước để tài xế có thêm thu nhập và động lực ra đường làm việc. Cụ thể, Grab thông báo sẽ điều chỉnh giá cước dịch vụ bắt đầu từ ngày 10/3 để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng.
Điển hình là giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo.
Như vậy, giá cước này đã tăng khoảng 2.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 500 đồng cho mỗi km tiếp theo trên các cuốc xe taxi công nghệ của Grab, tương đương mức tăng khoảng 5% so với lần điều chỉnh giá cước gần nhất.
Xăng tăng hơn 15%, ứng dụng chỉ dám tăng 5%
Grab cũng thực hiện tăng giá cước các dịch vụ trên xe 2 bánh như xe ôm công nghệ, đi chợ hộ, giao đồ ăn và giao hàng. Giá cước mới của dịch vụ GrabBike tại TP.HCM ở mức 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Giá cước GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.
Trước đó, ứng dụng Be cũng đã điều chỉnh giá cước hàng loạt dịch vụ như beBike (xe ôm công nghệ), beDelivery (giao hàng), beCar (taxi công nghệ) 4 chỗ và 7 chỗ.
Trong đó, cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike được giữa nguyên ở mức 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km. Cước phí mỗi km của dịch vụ beDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.
Với dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.
Cước phí 2 km đầu của dịch vụ beCar 7 chỗ tăng từ 33.000 đồng lên 35.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo được giữ nguyên ở mức 11.000 đồng và chỉ tăng cước thời gian di chuyển từ 500 đồng/phút lên 550 đồng/phút. Những điều chỉnh trên sẽ có hiệu lực từ 0h ngày 10/2.
Trao đổi với Zing, đại diện Gojek cho hay hiện tại hãng chưa có kế hoạch điều chỉnh chính sách giá liên quan đến việc tăng giá xăng dầu. “Gojek đang tiếp tục theo dõi các biến động thị trường cùng các yếu tố khác để đưa ra các chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho các đối tác tài xế cũng như người dùng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng”, vị này cho biết.
Sau lần điều chỉnh gần nhất vào 15h ngày 1/3, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.077 đồng/lít và xăng RON 95 là 26.834 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ sáu liên tiếp của giá xăng và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022.
Tính từ cuối tháng 12/2021, giá xăng đã tăng khoảng 15,6% và nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định nếu không tăng giá cước, các doanh nghiệp vận tải sẽ không thể đảm bảo lợi nhuận.