Chỉ số cước xuất khẩu container Thượng Hải (Shanghai Containerized Freight Index – SCFI) – một chỉ số quan trọng phản ánh cước giao ngay trong vận chuyển container đường biển – đã kết thúc đà giảm điểm liên tục trong 19 tuần vào ngày 20/5 vừa qua, và nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng mùa cao điểm sắp tới, kết hợp với việc thành phố Thượng Hải mở cửa trở lại, có thể sẽ khiến giá cước quay đầu sau khi đã giảm trong gần 5 tháng qua.
Chỉ số SCFI thường ít sôi động trong mùa thấp điểm tính từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong năm 2022, cuối cùng thì đến ngày 20/5, chỉ số này đã tăng lên, với mức tăng 14 điểm, trong khi Chỉ số cước xuất khẩu container Trung Quốc (CCFI) cũng tăng.
Bình luận trên mạng xã hội LinkedIn, ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn Vespucci Maritime, cho biết: “Chỉ số dịch chuyển trong một tuần chưa chắc sẽ tạo ra xu hướng, tuy nhiên khi nhìn vào diễn biến cước hàng tuần trong năm 2022, một xu hướng rõ ràng hơn đã xuất hiện khi mức giảm cước (theo mùa) đã chạm đáy vào khoảng một tháng trước và các mức cước đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang trên quỹ đạo đi lên.”
Trong khi đó, Chỉ số cước container thế giới tổng hợp do hãng tư vấn Drewry công bố đã giảm 0,1% xuống 7.648,18 USD/container 40ft trong tuần.
Chính quyền Thành phố Thượng Hải đã đưa ra lộ trình để mở cửa hoàn toàn thành phố có 26 triệu dân này trong tháng tới sau một trong những đợt phong tỏa lâu nhất cho đến nay từng xảy ra ở Trung Quốc.
Hãng tư vấn Drewry ước tính có đến 260.000 TEU hàng hóa đã không được xuất khẩu từ Thượng Hải chỉ trong tháng 4/2022, chuyên gia của hãng đã cảnh báo trong một báo cáo mới về những thách thức về năng lực vận chuyển trong những tháng tới, vốn trùng với giai đoạn cao điểm trong mùa hè.
Drewry cũng cảnh báo thêm rằng sự gián đoạn mới nhất của hệ thống vận chuyển container toàn cầu sẽ khiến các chủ hàng (BCO) trải nghiệm việc vận chuyển tồi tệ hơn, sau đó tình hình mới sẽ được cải thiện dần dần.
Một nghiên cứu chung mới được xuất bản do Windward và Sea-Intelligence thực hiện đã đi sâu vào tìm hiểu vấn đề tắc nghẽn ở Thượng Hải, cảng container lớn nhất thế giới, nghiên cứu cho thấy rằng khi cảng mở cửa trở lại hoàn toàn, công suất cảng sẽ chủ yếu dành cho nhập khẩu hàng nguyên container, đa phần trong đó chứa nguyên liệu thô cần thiết để các nhà máy ở trong nội địa, vốn đang rất khát nguyên liệu, có thể hoạt động. Lượng hàng container xuất khẩu sẽ bao gồm hàng hóa được sản xuất trước hoặc trong thời gian phong tỏa, nhưng chưa xuất và được lưu lại trong các nhà máy hoặc nơi khác.
“Chúng ta không có cách nào để biết chính xác có bao nhiêu container như thế, lượng container đã được đóng hàng và sẵn sàng để xuất khẩu và sau đó thì mắc kẹt, nhưng có thể nói rằng lượng container này là rất đáng kể,” nghiên cứu này cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng để việc xuất khẩu hàng hóa đạt hiệu quả, Cảng Thượng Hải trước tiên phải giải phóng hết lượng container rỗng tại bãi cảng, trong khi tác nghiệp này sẽ mất nhiều thời gian.
Các tác giả của nghiên cứu cảnh báo: “Cảng Thượng Hải hiện đang tồn rất nhiều các container này, và nếu không được giải phóng toàn bộ, hoặc chí ít là phần lớn trong lượng tồn rỗng, thì cảng có thể còn rất ít dung lượng cần thiết để hoạt động xếp dỡ hàng xuất khẩu diễn ra suôn sẻ như bình thường”, các tác giả báo cáo cũng thảo luận về hiệu ứng nước sốt cà chua (ketchup effect)* sẽ xuất hiện ở các cảng cửa ngõ ở nước ngoài khi Thượng Hải tăng lượng hàng xuất khẩu, một nội dung sẽ có ảnh hưởng rất lớn, vì cả các cảng của Mỹ và châu Âu đều đang phải chịu mức độ tắc nghẽn rất cao – và trong trường hợp của Mỹ, năng suất giao nhận hàng hóa thì lại đang là rất thấp.
Trao đổi với Splash, ông Peter Sand, Giám đốc Phân tích tại hãng tư vấn và phân tích thị trường Xeneta, cho biết “Trong những tháng tới, chúng ta rồi sẽ được thấy nhu cầu vận chuyển đã bị dồn nén đến mức nào. Có thể là rất nhiều, hoặc có thể là chỉ một chút. Chỉ có một điều chắc chắn rằng chuỗi cung ứng hàng hóa nội Á – một trong những tuyến vận chuyển quan trọng – đã bị ảnh hưởng nặng nề trong thời gian phong tỏa Thượng Hải.”
Vị chuyên gia này khuyến nghị các chủ hàng nên theo dõi thêm các chỉ số cước toàn cầu khác thay vì tập trung quá nhiều vào SCFI.
Ông cũng đưa ra lời cảnh báo không mấy dễ chịu dành cho các chủ hàng: “Tôi khá chắc chắn rằng, nếu Thượng Hải mở cửa trở lại, và sau đó hàng hóa được xuất khẩu ở mức cao, thì các hãng tàu sẽ có xu hướng áp dụng thêm các phụ phí với những cái tên mới.”
* Hiệu ứng nước sốt cà chua nói về hiện tượng khi chúng ta cố lấy sốt cà chua ra khỏi chai, thì có thể rất khó khăn ban đầu, nhưng sau khi sốt cà đã ra khỏi chai thì lại đổ tràn ra một lượng nhiều hơn cần thiết.
Trong bài viết này, người viết có thể muốn nói đến việc các cảng ở Mỹ và châu Âu đang tiếp nhận lượng hàng khá thấp từ Trung Quốc, việc Thượng Hải mở cửa có thể sẽ khiến lượng hàng từ Trung Quốc tăng lên đột ngột và gây khó khăn cho hoạt động khai thác cảng.
NỀN Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247