Từng bị thừa công suất nghiêm trọng, cảng Cái Mép giờ đây đang chuẩn bị được mở rộng

0
1194
Cảng Gemalink là một trong những bến cảng nước sâu lớn nhất tại khu vực cảng Cái Mép.

Việc mở rộng cảng Cái Mép, cụm cảng container nước sâu nhộn nhịp nhất Việt Nam, có thể mở đường cho thêm nhiều tuyến vận chuyển Á-Âu cập cảng Việt Nam trong thời gian tới.

Cụm cảng Cái Mép, từng có thời điểm bị xem là là một “con voi trắng”* vì thừa công suất, giờ đây, cụm cảng tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách TPHCM khoảng 50km, đang “rục rịch” kế hoạch nâng cấp, mở rộng sau những năm tăng trưởng sản lượng vượt bậc.

Thông tin từ Bộ Giao Thông Vận Tải Việt Nam cho biết khoảng 1,42 nghìn tỷ đồng (tương đương 62,17 triệu USD) sẽ được đầu tư vào nạo vét duy tu luồng hàng hải, cho phép các tàu lớn cập tại 5 bến cảng container, với chiều rộng luồng sẽ được mở rộng từ 310m lên 350m và độ sâu từ 14m lên 15,5m.

Ông Benoit Klein, Giám đốc điều hành của Cảng Quốc tế Gemalink, cho biết việc nâng cấp sẽ giúp công suất cầu cảng được tăng cao hơn. Ông cũng trao đổi với The Loadstar rằng: “Ngoài việc nâng cao công suất cảng, việc mở rộng còn giúp các cảng có thể tiếp nhận hai siêu tàu container tại cùng một thời điểm.”

“Hiện nay việc tiếp nhận hai siêu tàu cùng lúc là bất khả thi, qua đó ngăn cản các hãng tàu triển khai các tuyến dịch vụ nhạy cảm với thời gian vận chuyển như các tuyến Á-Âu cập cảng Cái Mép, đó là một mục tiêu mà Gemalink hướng tới, vì việc tiếp nhận các tuyến đi châu Âu có thể giúp chúng tôi phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh của mình, trong khi tại Cái Mép hiện nay, chủ yếu chỉ có các tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương”.

Gemalink là cảng mới nhất tại Cái Mép, bắt đầu hoạt động vào tháng 01/2021 và vào cuối tháng 3/2022, cảng đã tổ chức lễ kỷ niệm 1 triệu TEU đầu tiên thông qua cảng.

Ông Klein cho biết: “Nếu không có đợt phong tỏa vì dịch COVID-19 vào năm ngoái, chúng tôi sẽ có thể đạt cột mốc 1 triệu TEU vào tháng 2. Nhưng tháng 3/2022 vẫn là tháng tốt nhất của chúng tôi từ trước đến nay, với việc xếp dỡ gần 130.000 TEU.”

Gemalink hiện đang tiếp nhận ba chuyến tàu hàng tuần từ liên minh Ocean, 1 chuyến/tuần từ Maersk và trung bình 2 tháng/chuyến từ COSCO, tất cả đều là các tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương. Cảng này cũng tiếp nhận tuyến dịch vụ vận chuyển Á-Âu đầu tiên từ Ellerman City Liners (một hãng tàu Anh), sau thành công của các chuyến vận chuyển trước đó của hãng tàu này với hải trình qua Thượng Hải, Ningbo và Shenzhen (Thâm Quyến) đến cảng Tilbury (Anh).

Ông Peter Andrews, Giám đốc thương mại của Ellerman cho biết: “Cập cảng Cái Mép là dịch vụ mở rộng cho tuyến GB Express của chúng tôi, nhằm mục đích bổ sung thêm công suất vận chuyển cho thị trường Việt Nam, một thị trường đang bùng nổ.”

Trong khi đó, ông Klein nhận định rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại ở Trung Quốc cũng có thể giúp lĩnh vực vận chuyển container ở Việt Nam phát triển hơn.

“Chúng tôi được tiếp cận các thông tin rằng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc có thể khiến cho các chủ hàng Trung Quốc tăng tốc độ dịch chuyển sang sản xuất tại Việt Nam. Nhưng tôi cũng chưa rõ liệu việc dịch chuyển này sẽ diễn ra sớm hay muộn. Nếu các hãng tàu tiếp tục gặp khó khăn ở Trung Quốc, thì họ có thể chuyển hướng phân bổ nhiều công suất vận chuyển hơn cho các tàu làm hàng tại Việt Nam, qua đó giúp các hãng xếp thêm nhiều hàng xuất khẩu hơn từ Việt Nam, và cuối cùng có nghĩa là những con tàu cập cảng trong thời gian tới có thể sẽ lớn hơn và làm hàng lâu hơn.”

Bất chấp ảnh hưởng từ dịch Covid-19 trong năm 2021, hệ thống các cảng container của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng sản lượng 15% trong 9 tháng đầu năm, đạt 18,6 triệu TEU.

Còn theo Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng container thông qua cảng biển Việt Nam trong cả năm 2021 đạt mức tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020.

* “Con voi trắng” (white elephant): Theo Vietnambiz.vn, “con voi trắng” là thuật ngữ được sử dụng để mô tả bất kì khoản đầu tư trong lĩnh vực nào, nhưng đặc biệt là bất động sản, rất tốn kém để duy trì, không có lợi nhuận và không thể bán được. Nó được sử dụng để mô tả một khoản đầu tư không mong muốn.

Nền Logistix | Kim Hải / Theo The Loadstar