Hỗ trợ hàng chục tỷ đồng
HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành Nghị quyết số 18/2022 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây. Chính sách sẽ áp dụng thí điểm ngay từ tháng 10/2022 đến cuối năm 2023.
Tỉnh này dự kiến chi hơn 18 tỷ đồng cho dự án thí điểm. Hãng tàu biển, đại lý hãng tàu hoạt động kinh doanh vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Chân Mây theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 210.000.000 đồng/chuyến.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bằng container đi/đến cảng Chân Mây (trừ hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảnh), áp dụng mức hỗ trợ đối với container 20 feet là 800.000 đồng/container và với container 40 feet là 1.100.000 đồng/container.
Trước đó, Hà Tĩnh có chính sách tương tự khi các hãng tàu vận chuyển container thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Vũng Áng theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến cập cảng mỗi tháng được hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến (Nghị quyết số 276/2021/NQHĐND).
Còn các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng được hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet hoặc 1.000.000 đồng/container 40 feet.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt cho biết, hàng hóa qua cảng Vũng Áng trước nay chủ yếu là hàng hàng rời, hàng tổng hợp, bao kiện…
Sau khi có chính sách hỗ trợ của tỉnh, đã bắt đầu có tàu container mở tuyến vào cảng và đang duy trì tần suất 2 chuyến/tháng. Mỗi chuyến, sản lượng hàng hóa ước đạt 60 – 100 Teus.
Ông Tuấn đánh giá, sản lượng hàng container tại qua cảng dù ít nhưng đã tăng dần sau 1 năm và đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Riêng tại Thanh Hóa, HĐND tỉnh này đã thông qua 3 Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn.
Trong đó thời gian đầu, tỉnh thực hiện hỗ trợ các tàu mở chuyến vận chuyển container đi quốc tế lần đầu qua cảng Nghi Sơn được hỗ trợ 200.000.000 đồng/chuyến.
Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng container qua cảng Nghi Sơn và mở tờ khai tại Cục Hải quan Thanh Hóa được hưởng mức hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1.000.000 đồng/container 40 feet.
Các Nghị quyết này đã thu hút được hãng tàu CMA-CGM mở tuyến qua cảng Nghi Sơn với tần suất 1 chuyến/tuần. Được biết, đến nay, “ông lớn” vận tải này đã thực hiện được khoảng 91 chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, đóng góp vào ngân sách khoảng 1.180 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh Thanh Hóa chi cho việc hỗ trợ tàu và các doanh nghiệp là hơn 18 tỷ đồng.
Khởi đầu không dễ dàng
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện nay, các tỉnh phía Bắc Trung Bộ chưa có bến chuyên dụng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn để đi các tuyến quốc tế. Khu vực này cũng chưa có trung tâm dịch vụ logistics nên chưa hình thành các tuyến cho hàng container.
Do đó, hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container của các tỉnh Bắc Trung Bộ đều phải thông qua cảng Đà Nẵng, Hải Phòng hoặc TP.HCM. Bởi thế, việc các địa phương áp dụng các chính sách hỗ trợ tàu container được kỳ vọng sẽ thu hút các doanh nghiệp vận tải biển mở tuyến vận chuyển container tới các cảng biển nhiều hơn, thuận tiện cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa Đặng Văn Ba nhận định, việc chưa có tuyến vận tải container sẽ làm khó cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại địa phương vì phải chờ đợi, gom hàng chuyển đi tới các cảng ở các tỉnh khác. Trong khi đó, điều các doanh nghiệp cần nhất là chuyển hàng nhanh và thuận tiện.
Tuy nhiên, chặng đường mới không dễ dàng. Ông Ba tiết lộ, hãng tàu CMA-CGM mở tuyến qua cảng Nghi Sơn được một thời gian nhưng đã tạm dừng từ cuối năm 2021 do một số nguyên nhân.
Thực tế, do thiếu vỏ container tại cảng, nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển vỏ container từ các cảng khác làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa, trong khi các chính sách hỗ trợ chưa đủ bù đắp.
Trước tình trạng này, tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết 248 ngày 12/7/2022, tăng mức hỗ trợ lên 500.000.000 đồng/chuyến cho các tàu container mở tuyến container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn; tăng hỗ trợ lên 300.000.000 đồng/chuyến cho các hãng tàu nội địa mở tuyến vận chuyển container qua cảng. Với chính sách mới, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa hy vọng tháng 10 có thể thúc đẩy hãng tàu container trở lại.
Tại Hà Tĩnh, tình trạng cũng không khá khẩm hơn. Để có thể giữ chân doanh nghiệp vận tải biển, Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt chấp nhận những thiệt thòi ban đầu.
“Cảng chúng tôi hiện nay đang ưu tiên tuyệt đối cho tàu container. Tàu vào là chúng tôi xếp cầu để giải phóng hàng nhanh nhất. Phí xếp dỡ, nâng hạ container thì lấy giá sàn thấp nhất theo quy định của Bộ Tài chính. Những khoản nào không bắt buộc sẽ giảm xuống mức tối thiểu hoặc miễn phí”, ông Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh, tuy chưa có nhiều hãng tàu vào nhưng việc duy trì 2 chuyến/tháng như hiện nay đã là ổn.
Dù vậy, doanh nghiệp này cho biết, để có thể phát triển các tuyến tàu container, cần thêm những chính sách để có sự thay đổi về hậu cần, cơ sở hạ tầng giao thông kết nối. Trong đó, cần thiết phải nâng cấp, mở rộng QL12C và nâng cấp đê chắn sóng.
“Điểm xuất phát lúc nào cũng khó khăn nên tất cả phải chấp nhận hy sinh thời gian đầu mới có thể mở tuyến thành công. Nếu vội tính toán doanh thu, lời lãi sẽ rất khó làm”, ông Tuấn nói.
Về vấn đề này, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh Nguyễn Đức Tùng khẳng định, mục tiêu của Hà Tĩnh đối với chính sách này không phải lấy sản lượng trước mắt mà là tạo cơ sở, điều kiện nhằm kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư sản xuất hàng container.
Nếu không có các tuyến tàu container, rất khó thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư mở các nhà máy sản xuất các mặt hàng như may mặc, chế biến nông sản, hải sản…
Qua gần 1 năm mở tuyến tàu container, ông Tùng vui mừng thông tin, đang có nhiều nhà đầu tư nhắm tới thị trường tại địa phương này, trong đó có các ngành nghề hỗ trợ cho Formosa, các sản phẩm gỗ, giấy ép… Tần suất chuyến tàu container cũng đang đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại địa phương.
“Hạ tầng tại Hà Tĩnh hiện nay từ ICD, kho bãi… đã đáp ứng được cho các nhà đầu tư tiềm năng với nhiều ngành sản xuất khác nhau. Dù vậy, vẫn cần những chính sách đầu tư công của Chính phủ cho hạ tầng giao thông, vận chuyển”, ông Tùng cho hay.