Công nghệ mới sẽ giúp Singapore nâng tầm vị thế ngành vận tải biển?

Chính phủ Singapore đang đưa ra các gói ưu đãi lên đến 15 tỷ USD nhằm thu hút đầu tư vào ngành vận tải biển, đặc biệt là chú trọng phát triển các công nghệ mới.

0
1142

Singapore đang tìm cách khẳng định vị thế của mình trong các tuyến vận tải hàng hóa bằng việc đầu tư 15 tỷ USD vào ngành vận tải biển với mũi nhọn là phát triển công nghệ mới.

Tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Chee Hong Tat tuyên bố sẽ đưa ra các gói hỗ trợ nhằm khuyến khích đầu tư vào các công ty quản lý vận tải biển, luật hàng hải bảo hiểm đường biển và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa quốc tế.

Chính phủ Singapore hy vọng công nghệ sẽ đóng vai trò chủ đạo trong sự phát triển của ngành vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng. Đồng thời, Singapore cũng sẽ tập trung vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực môi trường, xử lý dữ liệu và an ninh mạng.

Ông Chee phát biểu: “Mục tiêu của chúng tôi là biến Singapore trở thành trung tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng hải hàng đầu thế giới. Nếu chúng ta cứ dậm chân tại chỗ, Singapore sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh”.

Các chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy xu hướng công nghệ hóa được đưa ra khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nhắm vào các công ty khởi nghiệp chuyên về các công cụ tự động hóa trong ngành logistics như sàn giao dịch vận tải, hàng hải, qua đó kiểm soát dòng lưu thông của hàng hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quỹ đầu tư Maersk Growth của A.P. Moller-Maersk A/S đến từ Đan Mạch chuyên hỗ trợ các công ty khởi nghiệp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực kho bãi và thủ tục hải quan. Hơn 3/4 thu nhập của Maersk hiện nay đến từ việc vận chuyển container, nhưng giám đốc điều hành Soren Skou cho biết ông muốn cân bằng hai nguồn doanh thu từ vận tải biển và dịch vụ phân phối trên đất liền trong vài năm tới.

Hãng vận chuyển container CMA CGM SA, một trong những đối thủ của Maersk, cũng sở hữu cho riêng mình một quỹ đầu tư mạo hiểm nhắm vào 10-20 công ty khởi nghiệp hàng năm trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. Đồng thời CMA CGM cũng thành lập một vườn ươm khởi nghiệp mang tên Zebox tập trung vào lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng có thể ứng dụng trong điều hành các hoạt động liên quan đến vận tải.

Các quan chức Singapore nhận thấy xu hướng công nghệ ngày càng ảnh hưởng lớn đến công tác vận chuyển, cũng như đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Singapore, cảng có lưu lượng hàng hóa đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Thượng Hải, đã tiếp nhận 36,9 triệu container chỉ trong năm 2020. Đây đồng thời cũng là một trung tâm trung chuyển lớn nhất cho “tàu mẹ” từ châu Á sang châu Âu. Hiện Singapore đang xây dựng một hệ thống siêu cảng với mức độ tự động hóa 100% với hy vọng trở thành hình mẫu cho một cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế trong tương lai.

Basil Karatzas, Giám đốc điều hành chi nhánh New York của Karatzas Marine Advisors & Co nhận xét rằng, vận tải biển được coi là một ngành mũi nhọn ở Singapore và có những chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các chủ tàu, nhà môi giới, ngân hàng cũng như các công ty luật hàng hải phát triển kinh doanh tại quốc đảo này.

Các khoản đầu tư mới sẽ hướng tới những việc như tạo ra ứng dụng có khả năng cập nhật theo thời gian thực về vị trí và thời gian di chuyển của các container, thanh toán cước vận chuyển quốc tế trên điện thoại di động và thông quan hàng hóa trước khi tàu cập cảng.

Ông Chee cho biết Singapore sẽ nâng mức giới hạn đồng tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ hàng hải hiện tại từ 50% lên 70% để khuyến khích các bên tham gia “chia sẻ chuyên môn và nguồn lực để cùng phát triển các giải pháp có khả năng áp dụng rộng rãi”. Kế hoạch của Singapore là đặt mục tiêu tăng gấp ba lần các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực hàng hải từ 30 tại thời điểm hiện tại lên 100 vào năm 2025.

Các chính sách trợ cấp như thế thường hiếm khi xảy ra tại các cường quốc hàng hải khác như Hy Lạp, Đức và Đan Mạch.

Cảng của Singapore đóng một vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu. Tuy nhiên các công ty ngày càng nói về việc mở rộng hoạt động sản xuất ra bên ngoài châu Á để giảm thiểu rủi ro và giảm chi phí logistics. Công nghệ mới giúp cải thiện tính hiệu quả cũng như tốc độ giao thương quốc tế có thể có tác động đáng kể đến việc tìm nguồn cung ứng và cả những phương thức vận chuyển mới trong tương lai.

Nền Logistix/ Tâm Thành – Theo The Wall Street Journal