Biến chủng COVID-19 mới tại Việt Nam đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

0
1104
Công nhân lắp ráp điện thoại tại nhà máy của Samsung tại Khu Công nghiệp Yên Phong 1, Bắc Ninh

Biến chủng lai COVID-19 đang thúc đẩy đợt bùng phát dịch bệnh mới đe dọa Samsung, Apple, Foxconn và các ông lớn công nghệ khác. Câu chuyện đang xảy ra tại Việt Nam.

Thách thức của Chính phủ mới

Cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thanh Long cho biết các nhà chức trách sở tại đã phát hiện ra một biến thể mới của COVID-19, một giống lai của các chủng trước đó được phát hiện ở Ấn Độ và Anh, biến chủng này có thể dễ lây lan hơn các biến thể khác.

Cụ thể, giải mã trình tự gen được thực hiện bởi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam (NIHE) đã phát hiện bốn người bị nhiễm biến thể mới. Bộ trưởng Long cho biết chủng vi khuẩn mới này có thể giải thích tại sao các ca nhiễm lại tăng rất nhanh ở Việt Nam trong những ngày qua.

Tại thời điểm NIHE báo cáo, các ca nhiễm đã được ghi nhận ở ít nhất một nửa trong số 63 tỉnh thành tại Việt Nam. Quá trình lây nhiễm này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà trên toàn thế giới về vai trò ngày càng tăng của đất nước hình chữ S trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó trong cả năm 2020, Việt Nam chỉ ghi nhận 1.465 trường hợp nhiễm COVID-19 và là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế dương, đạt 2,9%. Nhưng số lượng các ca nhiễm tăng đột biến kể từ đầu tháng 4 năm nay đã chứng kiến ​​số trường hợp nhiễm bệnh tăng lên trên 7.100. Và khoảng trên 300 ca nhiễm mới đã được ghi nhận vào ngày 31/5, cao hơn mức trung bình bảy ngày trước đó là 290. Cho đến ngày 1/6, đã có 47 trường hợp tử vong do COVID-19 (Nền Logistix cập nhật: Đến tối 2/6, con số này là 49).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Victoria, Wellington (New Zealand), Chính phủ mới của Việt Nam lại ít sẵn sàng áp đặt các hạn chế cứng rắn hơn chính phủ tiền nhiệm.

Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, người được chọn đứng đầu Chính phủ sau khi được Quốc hội lựa chọn vào đầu tháng 4/2021, đang xoay sở để đương đầu với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong những tuần vừa qua. Ông được cho là thiếu kinh nghiệm hơn trong điều hành Chính phủ so với các nguyên Thủ tướng – mặc dù ông có năng lực kinh tế vững chắc ở cấp tỉnh.

Theo Bộ theo dõi phản ứng COVID-19 của các chính phủ và Chỉ số nghiêm ngặt (Stringency Index) do Đại học Oxford phát triển, trong đó dùng mức 0 (zero) đại diện cho việc không có hạn chế nào để phòng ngừa COVID-19 và 100 là mức kiểm soát nghiêm ngặt nhất thì Việt Nam đã là quốc gia có mức hạn chế nghiêm ngặt nhất ở Đông Nam Á trong năm 2020.

Tuy nhiên, vào ngày 24/5 vừa qua, mức độ khắt khe của Việt Nam được ghi nhận là thấp hơn hai quốc gia trong khu vực là Malaysia và Lào. Hơn nữa, mức độ hạn chế vào thời điểm đó được đánh giá là ít nghiêm ngặt hơn so với hồi đầu tháng 2/2021 và vào mùa hè năm 2020, thời điểm xảy ra đợt lây lan thứ hai ở Việt Nam.

Chỉ số Stringency Index của Việt Nam đạt 77,31 vào ngày 24/3. Cùng ngày, chỉ số của Lào là 79,63 và của Malaysia là 80,56.

Ông Giang cho biết: “Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế là lý do rõ ràng cho sự giảm hạn chế này, đặc biệt là do nền kinh tế suy yếu sau một năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và áp lực duy trì hoạt động các khu công nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp lo ngại về sự gián đoạn trong sản xuất”.

Vốn đã dự báo trước đó rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% vào năm 2021, Ngân hàng Thế giới cho biết Chính phủ hiện đang cố gắng duy trì chuỗi cung ứng vận hành ổn định trong những tuần gần đây.

Căng thẳng tại các trung tâm công nghiệp sản xuất

Về phía các cơ quan chức năng, Bộ Y tế đã nêu quan ngại rằng tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc là Bắc Ninh và Bắc Giang, hai tỉnh ở gần thủ đô Hà Nội, cũng là nơi các thương hiệu lớn như Samsung và Foxconn đặt nhà máy.

Vào thứ Bảy 29/5/2021, Bộ Y tế thông báo sẽ ưu tiên tiêm ngừa COVID-19 cho 240.000 công nhân trong khu vực, và đã gửi ít nhất 200.000 liều vắc-xin đến từng tỉnh với hy vọng rằng tất cả các liều vắc-xin có thể được tiêm trong vòng một tuần.

Chính phủ Việt Nam cũng kêu gọi các công ty như Samsung và Apple hỗ trợ mua và tiêm vắc-xin cho lực lượng lao động của chính các doanh nghiệp này, theo một tuyên bố chính thức được công bố thứ Hai 31/5 vừa qua.

Với Samsung, các nhà máy Việt Nam sản xuất ước tính một nửa sản lượng điện thoại và máy tính bảng toàn cầu của thương hiệu công nghiệp điện tử này. Không có gì ngạc nhiên, sản xuất cho Samsung góp phần lớn đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.

Sau khoản đầu tư 670 triệu USD vào một nhà máy sản xuất điện thoại di động ở Bắc Ninh vào năm 2008, các khoản đầu tư của Samsung trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tăng lên đến 17,3 tỷ USD chỉ trong vòng một thập kỷ.

Hãng công nghệ khổng lồ Intel cũng đã đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào một cơ sở lắp ráp và kiểm tra thiết bị bán dẫn tại TP.HCM. Các đại gia công nghệ hàng đầu khác như LG, Apple, Panasonic và Foxconn cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam.

Nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử toàn cầu hiện chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đến năm 2019, đất nước hình chữ S đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng điện tử và linh kiện lớn thứ tư vào Mỹ. Và theo Bộ Công Thương, trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD vào năm 2020, tăng 6,5% so với năm 2019.

Về nguyên nhân của tăng trưởng, Việt Nam được thừa nhận là một trong những nước được hưởng lợi chính từ việc các tập đoàn quốc tế giảm dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc, khi các doanh nghiệp phương Tây, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tìm cách dịch chuyển mô hình hoạt động theo hướng tránh việc sản xuất chỉ ở một thị trường (single-market production) trong những năm gần đây. Xu hướng này còn được đẩy mạnh hơn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu từ năm 2018.

Do đó, bất kỳ gián đoạn đáng kể nào trong quá trình hình thành các chuỗi cung ứng mới này sẽ khiến Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý và chịu áp lực chưa từng có, đặc biệt là trong bối cảnh sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc cho thấy dấu hiệu đã trở lại mức bình thường trước đại dịch.

Chính vì vậy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh, nơi có hầu hết các nhà máy của Samsung tại Việt Nam, đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm và các hạn chế nghiêm ngặt khác trong tuần trước, thời điểm mà bốn khu công nghiệp trên khắp hai tỉnh đã phải đóng cửa tạm thời. Tuy nhiên, các khu công nghiệp được cho rằng sẽ sớm mở cửa trở lại vì các nhà máy đã được chính quyền địa phương khuyến nghị đưa ra các phương án về lưu trú cho công nhân.

ẢNH: Doanh nghiệp ở Bắc Ninh dựng lều, lắp wifi, cấp máy pha cafe cho công nhân - Ảnh 5.
Lều cá nhân phục vụ việc lưu trú cho công nhân, người lao động tại các công ty nằm trong KCN VSIP Bắc Ninh

Các báo cáo khác nhau cho biết nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp ở các tỉnh này cũng như tại các trung tâm công nghiệp khác đang chuyển đổi nhà kho thành khu lưu trú cho công nhân để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất.

Chính quyền các tỉnh đã đề nghị doanh nghiệp thực hiện các biện pháp như trên, cũng như luân chuyển linh hoạt lao động làm việc theo ca để hạn chế tiếp xúc giữa các nhân viên.

Trao đổi với báo chí, đại diện Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết trong những tuần gần đây, sự gia tăng của các ca nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hoạt động của các nhà máy vừa và nhỏ ở Việt Nam, trong khi các trung tâm sản xuất lớn do các công ty đa quốc gia điều hành đã chứng tỏ khả năng duy trì sản xuất tốt hơn.

Bình luận về diễn biến tại các tỉnh phía Bắc, ông Giang cho rằng “Chính phủ đang kiên nhẫn chờ để hoàn thành việc tiêm chủng trên diện rộng – và cùng với khả năng sản xuất vắc – xin trong nước từ tháng 9 trở đi – ít có khả năng cơ quan chức năng sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa ở các tỉnh công nghiệp quan trọng như Bắc Ninh, Bắc Giang và Thái Nguyên”.

“Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn đang đương đầu với thử thách rất lớn. Liệu chiến lược và các biện pháp gần đây của Chính phủ có thành công hay không, chúng ta cần phải chờ xem trong vài tháng nữa,” ông Giang bổ sung.

Trọng tâm trong thời gian tới: Tiêm chủng

Nhìn chung, Việt Nam là quốc gia có thành tích nổi bật nhất Đông Nam Á trong khả năng thích ứng với đại dịch COVID-19. Đất nước 96 triệu dân chỉ ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi láng giềng Campuchia đã có hơn 30.000 trường hợp mắc bệnh trên tổng số 16 triệu dân.

Tuy nhiên, Việt Nam đang tương đối đi sau các quốc gia khác trong việc triển khai tiêm chủng trên diện rộng. Theo các số liệu chính thức, khoảng 1,04 triệu người dân (chiếm 1% dân số) đã được tiêm liều đầu tiên nhưng chưa đến 30.000 người được tiêm đủ các liều cần thiết.

Tỷ lệ tiêm chủng đạt đỉnh vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5, với khoảng 0,06/100 người được tiêm vắc-xin, nhưng con số đã giảm xuống còn 0,01 trong những tuần gần đây, theo Our World In Data.

Nhận thức rõ nội dung cần cải thiện, Việt Nam vừa ký thỏa thuận với Pfizer mua 30 triệu liều vắc-xin sẽ giao vào cuối năm nay và hiện đang đàm phán với Moderna. Nếu đàm phán thành công, Việt Nam sẽ có đủ liều vắc-xin để tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số.

Chính phủ cũng đã tuyên bố rằng các công ty Việt Nam sẽ có thể đưa vắc – xin của riêng mình ra thị trường vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Cuối tuần trước, nhà chức trách thông báo rằng họ có ý định lấy mẫu kiểm tra tất cả chín triệu cư dân ở TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Các báo cáo ghi nhận tại địa phương cho thấy công suất lấy mẫu xét nghiệm là 100.000 người/ngày, cho thấy chính quyền phải mất 3 tháng để toàn thành phố được xét nghiệm COVID-19 đầy đủ (Nền Logistix cập nhật: Đây là thông tin không chính xác, Chính quyền TPHCM chỉ chủ trương xét nghiệm trên diện rộng).

Nền Logistix | Đặng Dương & Đan Thanh / Theo Asia Times / Phân đoạn và các tựa trong bài do Nền Logistix đặt.