Gia súc xuất khẩu bị ngược đãi, bỏ đói trên tàu biển

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu gia súc chăn nuôi đường biển của nhiều quốc gia bị đình trệ. Trong nhiều trường hợp, gia súc bị bỏ đói, chết trên tàu.

0
737
Gia súc được chở trên những chiếc tàu cũ, có tuổi thọ lâu đời. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, cuối tháng 12/2020, khoảng 1.800 con bò rời Tây Ban Nha đến Thổ Nhĩ Kỳ trên tàu chở hàng Elbeik. Chuyến đi dự kiến kéo dài khoảng 11 ngày. Tại điểm đến, đàn gia súc sẽ được rao bán cho các lò giết mổ.

Tuy nhiên, sau 3 tháng, sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành hàng hải thế giới và khiến con tàu không thể dỡ hàng. Đàn gia súc trên tàu bắt đầu chết đói. Theo một cuộc điều tra của chính phủ Tây Ban Nha, gần 10% số bò trên Elbeik đã chết. Khi con tàu quay trở về Tây Ban Nha, các nhà chức trách cho rằng 1.600 con bò còn lại quá ốm yếu để bán và yêu cầu dỡ hàng.

Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha đã phải chuyển vụ việc lên các công tố viên tại tòa án quốc gia. Sau nhiều lần liên lạc, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể liên lạc với công ty Ibrahim Maritime, đại diện tàu.

Động vật mắc kẹt hàng tháng trên tàu

Elbeik đã trở thành ví dụ điển hình của cuộc khủng hoảng trong ngành buôn bán gia súc xuyên biên giới trị giá 18 tỷ USD. Mỗi năm, khoảng 2 tỷ con bò, cừu, dê, lợn và gà được vận chuyển khắp nơi trên thế giới. Trước những ảnh hưởng của Covid-19, gia súc bị mắc kẹt trong quá trình vận chuyển lâu hơn dự kiến, kéo theo hàng loạt sự cắt giảm trong khâu kiểm tra an toàn.

Trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ gia súc, các nhà dịch tễ học tin rằng đã đến lúc ngành công nghiệp vận chuyển này phải thay đổi.

“Quá trình vận chuyển bằng đường biển nằm ngoài bất kỳ quy định hoặc tiêu chuẩn nào về phúc lợi của động vật. Sức khỏe cộng đồng có thể gặp rủi ro nếu việc vận chuyển không đáp ứng điều kiện, khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở”, Thomas Waitz, một chủ trang trại tại Áo, đại diện Ủy ban chịu trách nhiệm cập nhật các quy tắc vận chuyển động vật qua biên giới tại châu Âu, cho biết.

Liên minh châu Âu hiện chiếm hơn 75% động vật sống xuất khẩu trên thế giới. Một ủy ban ủy quyền dự kiến sẽ đề xuất các quy định chặt chẽ hơn cho hoạt động xuất khẩu đặc thù này vào cuối năm nay.

Tại Anh, hoạt động vận chuyển động vật sống nhằm mục đích giết mổ đã bị cấm hoàn toàn. Tháng 4, New Zealand cũng cho biết sẽ loại bỏ hoạt động buôn bán động vật sống vào năm 2023.

Năm 2019, khoảng 39 triệu tấn thịt, hầu hết đã được giết mổ, đóng gói, đông lạnh, xuất khẩu trên toàn cầu. Hoạt động chế biến sẵn giúp những nhà sản xuất thịt thu về nhiều lợi nhuận hơn, đồng thời hạn chế các vấn đề về sức khỏe và an toàn hơn vận chuyển động vật sống.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thịt động vật tươi từ khách hàng các nước châu Á và các quốc gia Hồi giáo tăng vọt những năm gần đây. Giá gia súc sống vận chuyển từ Australia cũng vì thế tăng lên mức cao kỷ lục.

Quy trình kiểm soát vận chuyển lỏng lẻo

Các cơ quan quản lý không mấy để tâm đến phúc lợi động vật khi xuất khẩu qua biên giới. “Chúng tôi không nhìn vào hàng hóa hay phúc lợi động vật. Chúng tôi chỉ quan tâm xem con tàu có quá tải hay không. Con tàu dù chở 10.000 container hay 10.000 con gia súc cũng không có gì khác biệt”, Maarten Vlag, thư ký của Liên minh hàng hải Paris giám sát các cảng từ Anh đến Nga, cho biết.

Hàng nghìn con gia súc đang chết trên những chuyến đi biển. Đầu năm 2021, ngoài đàn bò trên tàu Elbeik, 800 con bò khác cũng đã chết trên chuyến tàu đến Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2020, một vụ đắm tàu ngoài khơi Nhật Bản đã khiến đàn gia súc 6.000 con cùng 40 thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Năm 2019, 14.000 con cừu đã chết đuối trong một vụ tai nạn hàng hải ở Romania… Ở EU, sự lỏng lẻo trong khâu phối hợp giữa thanh tra thú y và cảng biển khiến quy trình phê duyệt tàu chở động vật sống gặp nhiều thiếu sót.

Động vật bị bệnh hiếm khi được chăm sóc. Tại Australia, những chuyến tàu đi biển kéo dài hơn 10 ngày đều bắt buộc có bác sĩ thú y đi kèm. EU đang xem xét việc áp dụng quy định này. Thậm chí, những người ủng hộ quyền lợi cho động vật tin rằng các bác sĩ thú y nên có trên mọi chuyến đi.

Ngoài yêu cầu về thú y, từ năm 2018, chính phủ nước này đã bố trí các quan sát viên trong những chuyến đi dài ngày để đảm bảo điều kiện sống cho động vật. Mặc dù vậy, các quan sát viên sẽ không có mặt trên tàu ít nhất một năm nữa do lo ngại Covid-19.

Australia là quốc gia duy nhất yêu cầu các nhà xuất khẩu động vật xây dựng chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, theo dõi vật nuôi từ khi chúng lên tàu đến các lò giết mổ ở nước ngoài.

“Đây không phải là sân chơi bình đẳng. Chúng tôi đang cạnh tranh với các tàu từ những nước không có cùng tiêu chuẩn. Họ có thể đặt bao nhiêu gia súc trên đó trong khi chúng tôi phải chịu gánh nặng của các chi phí phát sinh theo quy định”, John Klepec, Chủ tịch điều hành của Wellard, nhận xét.

Gia súc vận chuyển chịu nhiều đau đớn

Theo Bloomberg, hoạt động kiểm tra hàng hải đối với các tàu chở gia súc đã giảm hơn 30%. Nhiều quốc gia không cho phép thanh sát viên lên tàu vì lo ngại Covid-19. Bên cạnh đó, các tàu chở gia súc phải đối mặt với tỷ lệ giam giữ cao hơn nhiều so với tàu chuyên chở khác.

Tại các cảng châu Á và châu Âu, khoảng 9% số tàu chở động vật vào năm 2020 bị hoãn khởi hành do không đủ tiêu chuẩn, gấp đôi tỷ lệ đối với những loại tàu vi phạm khác.

Theo báo cáo của Tổ chức Phúc lợi Động vật vào tháng 6, trong số 78 tàu được EU chấp thuận cho vận chuyển gia súc, 53 tàu đã bị bắt giữ trên 3 lần vì vi phạm Biên bản ghi nhớ Paris.

Hầu hết tàu chở gia súc đã cũ, được chuyển đổi để chở động vật. “Tàu 50 tuổi còn khó bảo trì, huống chi là tìm phụ tùng thay thế mà không ai sản xuất nữa”, Vlag nói.

Theo báo cáo năm 2020 về vận chuyển động vật sống ở EU, hơn một nửa số tàu chăn nuôi đang hoạt động ở khu vực “gây ra mối đe dọa đối với quyền lợi, sức khỏe và an toàn của động vật”. Các bác sĩ thú y có nhiệm vụ quan tâm đến sức khỏe của chúng chứ không có quyền truy cập vào hồ sơ kiểm tra tàu.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc cho biết việc vận chuyển động vật sống dễ lây lan dịch bệnh. Động vật từ các đàn khác nhau thường nhốt trong môi trường căng thẳng, có hệ thống thông gió kém. Trước nguy cơ động vật có bệnh có thể truyền sang người, các nhà dịch tễ học đã lên tiếng chỉ trích hoạt động xuất khẩu động vật sống.

Tuy nhiên, Hội đồng các nhà xuất khẩu gia súc Australia cho biết quy định hiện hành là đầy đủ và không đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Australia xuất khẩu hơn 2,3 triệu con gia súc trong giai đoạn 2019-2020. Sau khi loại bỏ hoạt động buôn bán mà New Zealand bị cấm, ngành công nghiệp của quốc gia này sẽ có giá trị ước tính 1,9 tỷ USD.

Australia hiện yêu cầu công ty xuất khẩu ghi lại tỷ lệ tử vong hàng ngày và thông báo cho cơ quan nông nghiệp nếu động vật chết với tỷ lệ cao hơn 0,5%/chuyến đi, hoặc ít nhất ba con. Vào năm 2020, Australia đã xuất khẩu hơn 1 triệu con gia súc bằng đường biển. Theo báo cáo, tổng tỷ lệ tử vong của các tàu là 0,11%, tương đương 1.224 con.

Sue Foster, bác sĩ thú y và phát ngôn viên của Vets Against Live Exports, cho biết số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong là bằng chứng cho về sự đau khổ của động vật.

“Các con vật đang co ro và thở phì phò trong nhiều ngày vì nóng, chúng không được ăn hoặc bị loét da. Chúng phải sống mà vẫn chịu đựng điều đó. Rất khó để biết khi nào thuyền đi, họ sẽ đến đâu và có gì trên tàu. Đây là ngành vận chuyển được che đậy bởi sự bí mật và thiếu minh bạch”, Foster nói.

(Theo Zing)