Cát Lái nghẽn, xuất nhập khẩu sẽ bị tổn thương

0
1483
Cảng Cát Lái.

Những ngày vừa qua, cộng đồng vận tải và logistics tại khu vực phía Nam xôn xao với thông tin không mấy tích cực: cảng Cát Lái (TPHCM) tồn lượng lớn hàng nhập khẩu, có nguy cơ phải ngưng tiếp nhận tàu.

Cảng Cát Lái mà gián đoạn…

Ngày 28-7-2021, tại Báo cáo 2465 gửi UBND TPHCM cùng các cơ quan chức năng, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cho biết sau ba tuần TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (tuần 27, 28 và 29), số lượt xe ra vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với thời điểm chưa giãn cách, khiến cho dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn chạm ngưỡng trên 100% công suất. TCSG cho rằng, nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển, nguy cơ gián đoạn hoạt động cảng Cát Lái là điều hoàn toàn có thể xảy ra như ở các cảng của Mỹ, châu Âu, Trung Quốc trong thời gian qua.

Báo cáo 2465 của Tân Cảng Sài Gòn (trang 1)

Cảng Cát Lái là bến cảng container lớn nhất và là cửa ngõ xếp dỡ hàng container quan trọng nhất của Việt Nam. Mặc dù không phải là cảng container nước sâu và chỉ đón các tàu container cỡ trung bình (phổ biến là dưới 3.000 TEU), nhưng cảng Cát Lái cũng là một trong những cửa ngõ giao nhận hàng xuất nhập khẩu với châu Âu, Mỹ lớn nhất phía Nam với khả năng kết nối thuận tiện với cụm cảng Cái Mép thông qua vận chuyển sà lan cũng như các cảng trung chuyển lớn khác của châu Á thông qua các tuyến tàu tiếp vận (feeder service).

Trong ngành khai thác cảng, dung lượng tồn bãi ở mức 80% là ngưỡng an toàn cho hoạt động khai thác cảng. Một số cảng lớn trên thế giới xây dựng kế hoạch dịch chuyển container giảm tải sang các điểm thông quan nội địa (ICD) khi dung lượng bãi vượt mức 65%. Dung lượng tồn bãi của Cát Lái tại thời điểm cuối tháng 7 vừa qua đã lên đến 90%, mức được xem là sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khai thác cảng, nhưng con số này được dự báo còn có thể tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, điều này dẫn đến khả năng Cát Lái có thể sẽ bị gián đoạn hoạt động.

Cát Lái gián đoạn hoạt động đồng nghĩa với gần như toàn bộ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hệ thống những nhà cung ứng, nhà thầu trong nước sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, kéo theo đó là sự trì trệ trong hoạt động sản xuất, ách tắc trong lưu thông hàng hóa, tăng chi phí logistics cho doanh nghiệp và kéo giảm tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam một khi chúng ta khống chế được ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước.

Đó là một viễn cảnh không ai mong muốn. Nhưng nếu có được các giải pháp đồng bộ và sự tham gia từ các bên liên quan đến chuỗi cung ứng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cảng, hải quan, cơ quan điều hành của các ngành liên quan đến chuỗi cung ứng như giao thông vận tải, công thương, các đơn vị dịch vụ logistics… thì chúng ta hoàn toàn có thể tránh được viễn cảnh này.

Giải pháp phải từ nhiều phía

Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có thể đa dạng hóa lựa chọn nhận hàng nhập, với phương án nhận hàng ở các cảng, ICD vẫn còn dư địa tiếp nhận hàng hóa như cảng Đồng Nai, cảng Sowatco Long Bình, cảng Tân Cảng Hiệp Phước, hệ thống các ICD của TCSG, các cảng nằm trên sông Sài Gòn. TCSG đã cam kết hỗ trợ về thủ tục để khách hàng có thể nhận hàng tại các cảng thuộc hệ thống của TCSG. Các doanh nghiệp cũng có thể làm việc với đối tác bán hàng để chủ động điều chỉnh kế hoạch giao hàng về Việt Nam, có thể giao về các cảng khác cảng Cát Lái hoặc lùi một khoảng thời gian nhất định.

Các hãng tàu có thể làm việc với TCSG và các cảng khác trong khu vực để chủ động điều chỉnh kế hoạch tàu về khai thác tại các bến cảng vẫn còn năng lực tiếp nhận. Đồng thời, các hãng cũng có thể nắm bắt danh sách những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh để tạm thời chưa vận chuyển hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp này từ các cảng trung chuyển ở châu Á về các cảng ở phía Nam.

Cảng SP-ITC là một trong những cảng container lớn nhất tại TPHCM. Ngày 9/8/2021, Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC), đơn vị quản lý và vận hành cảng SP-ITC đã gửi thông cáo báo chí nhằm thông tin về tình hình hoạt động của cảng SP-ITC, trong đó khẳng định SP-ITC đang hoạt động ở mức 80% công suất bãi và có thể tiếp nhận thêm hàng hóa.

UBND các tỉnh/thành phố ở khu vực phía Nam có thể xem xét phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất sử dụng một ứng dụng để theo dõi thông tin xét nghiệm Covid-19 của người điều khiển phương tiện vận tải, giảm thời gian kiểm tra tại các chốt, đẩy nhanh thời gian lưu thông hàng hóa, giúp cho các phương tiện giải phóng hàng hóa tại các cảng và kho khách hàng nhanh chóng hơn. Đây cũng là một nội dung mà TCSG đã có kiến nghị trong Báo cáo 2465.

Đồng thời, các tỉnh/thành phố cần làm việc với các doanh nghiệp có lượng hàng nhập khẩu lớn đang tạm ngưng sản xuất để có thể xây dựng kế hoạch khôi phục các hoạt động liên quan đến kho vận; sản xuất có thể tạm dừng, nhưng các hoạt động lưu kho, giải phóng nguyên liệu nhập khẩu nếu cần ít nhân sự hơn và có thể đảm bảo an toàn dịch tễ, thì có thể khôi phục một phần để giảm áp lực hàng nhập khẩu.

Các cơ quan chức năng ở các tỉnh/thành khu vực phía Nam có thể thống nhất tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho lực lượng lao động thuộc nhóm doanh nghiệp dịch vụ vận tải, logistics được “đi làm” nếu đáp ứng được các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Một số nghề/người làm nghề nghe ra thì “kém sang”, như công nhân xếp dỡ, nhân viên kiểm đếm hay nghe có vẻ “lạ tai” như nhân viên khai hải quan, nhân viên chạy hiện trường, nhân viên điều độ… nhưng thực sự đây chính là các lực lượng cực kỳ quan trọng đối với chuỗi cung ứng, bình thường một số nhóm còn phải làm việc 24/7 để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu được thuận lợi. Các nhóm ngành nghề này cần được tạo điều kiện để duy trì công việc bình thường.

Chúng ta ghi nhận những chuyển động rất tích cực từ phía Cục Hải quan TPHCM, khi đã sớm đưa ra các đề xuất lên Tổng cục Hải quan để giải phóng hàng tồn bãi tại cảng Cát Lái, trong đó bao gồm vận chuyển hàng tồn đọng khỏi cảng Cát Lái, lưu giữ tạm thời hàng hóa nhập khẩu tại cảng dỡ hàng là cảng Cái Mép để chờ làm thủ tục vận chuyển độc lập về cảng đích (cảng Cát Lái) và doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn làm thủ tục hải quan khi đăng ký tờ khai, chấp thuận một số chứng từ điện tử, xây dựng phương án vận chuyển về các địa điểm thông quan trung gian.

Chúng ta cũng ghi nhận sự tham gia kịp thời của Cục Hàng hải Việt Nam khi đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương của cục trong việc đảm bảo duy trì hoạt động của các cảng biển khu vực phía Nam vào chiều ngày 1-8, đồng thời thiết lập đường dây nóng hỗ trợ các chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái trong thời gian TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Một khi tất cả các bộ phận trong hoạt động vận tải và logistics cùng chung tay, chúng ta có thể vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19 với chi phí tối thiểu.

Nền Logistix | Trung Tuân

Bài viết được đăng trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.