Trung Quốc đã xuất khẩu như thế nào trong Thế kỷ XXI

0
608
Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất trong thế kỷ XXI.

Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã tăng rất ấn tượng trong thế kỷ XXI, từ 266 tỷ USD vào năm 2001 (cũng là năm Trung Quốc gia nhập WTO) lên 3.594 tỷ USD trong năm 2022 với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 13,2%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã chậm lại trong giai đoạn 2009-2019, chỉ ở mức 5,2% (CAGR).

Bản đồ xuất khẩu của Trung Quốc từ năm 2001

Trong khoảng thời gian tính từ sự ra đời của Đế chế La Mã đến thời điểm nhà máy đầu tiên được xây dựng trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế hùng mạnh nhất hành tinh, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm khoảng 30% nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng đến thập kỷ 1970, nền kinh tế của đất nước đã thụt lùi trở thành cái bóng của chính nó trong lịch sử, với thu nhập bình quân đầu người bằng một phần ba so với các nước tại khu vực châu Phi cận Sahara (sub-Saharan Africa). Nhưng trong bốn thập kỷ tiếp theo, quá trình chuyển đổi công nghiệp nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp quốc gia này trở thành cường quốc sản xuất của thế giới và xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng chóng mặt.

Những thị trường nào đang nhập khẩu các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc? Đồ họa dưới đây của Ehsan Soltani, sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cơ quan hải quan Trung Quốc sẽ cho thấy các thị trường lớn nhất của hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc kể từ những năm 2000.

Việt Nam là một trong những quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc

Thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc từ 2001‒2022

Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước này là 266 tỷ USD. Trong bảy năm tiếp theo, xuất khẩu của đất nước tăng trưởng không ngừng cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 gây ra sự sụt giảm mạnh trong thương mại toàn cầu.

Chu kỳ tăng trưởng được lặp lại sau đó, với mức tăng trưởng xuất khẩu liên tục cho đến năm 2015 (thời điểm đánh dấu một đợt suy thoái thương mại toàn cầu khác), giai đoạn tiếp theo đánh dấu mức tốc độ tăng trưởng chậm lại cho đến năm 2020 (năm đánh dấu sự lan rộng của đại dịch COVID-19).

Sau cao điểm đại dịch COVID-19, xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc đã tăng vọt 30% vào năm 2021 và đến cuối năm 2022 đã tăng lên ước tính 3,6 nghìn tỷ USD mỗi năm. Con số này có nghĩa là chỉ riêng xuất khẩu của Trung Quốc đã lớn hơn toàn bộ nền kinh tế của các quốc gia như Anh, Ấn Độ và Pháp.

Xuất khẩu của Trung Quốc theo trị giá và theo nước nhập khẩu trong giai đoạn 2001-2022

Những quốc gia nào đã nhập khẩu hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc? Dưới đây là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2022 và tăng trưởng kể từ năm 2001:

Bất chấp nhiều mức thuế quan bất lợi từ thời Tổng thống Donald Trump và rạn nứt địa chính trị ngày càng tăng trong vài năm gần đây, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Năm 2022, nước này nhập khẩu gần 582 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Theo sát phía sau Mỹ, 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu được xem là thị trường lớn thứ hai đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với tổng trị giá 562 tỷ USD. Quốc gia riêng lẻ trong EU nhập hàng Trung Quốc nhiều nhất là Hà Lan, với 118 tỷ USD trị giá hàng hóa, tương đương gần 21% xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang EU.

Xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng?

Cũng như nền kinh tế toàn cầu nói chung, nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu tái cơ cấu lại.

Thứ nhất, Trung Quốc đang bắt đầu tái cân bằng xuất khẩu từ sản xuất – công nghiệp nặng sang xuất khẩu đồng đều hơn cho hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Thứ hai, sự phụ thuộc tổng thể của nền kinh tế vào xuất khẩu đã giảm đáng kể từ mức rất cao vào giữa thập niên 2000, với mục tiêu của các nhà quản lý là tăng tiêu dùng trong nước và có một nền kinh tế tự chủ hơn về tổng thể.

Sự điều chỉnh này không có nghĩa là sự thống trị của Trung Quốc trên ‘sân khấu’ xuất khẩu thế giới sẽ bị lung lay. Với các chính sách phát triển kinh tế sâu rộng như sáng kiến Một vành đai, Một con đường và hiệp định thương mại RCEP giữa 15 quốc gia ở châu Á và châu Đại Dương (có bao gồm Việt Nam), có rất nhiều cách thức để xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Và khi mà đất nước đông dân nhất thế giới phải đối diện với sự thay đổi nhân khẩu học trong nước chưa từng có trong những thập kỷ tới (dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 1,43 tỷ người vào năm 2022 xuống còn 1,32 tỷ người vào năm 2050), có lẽ lĩnh vực xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là chìa khóa để đất nước này tăng trưởng kinh tế.

Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Visualcapitalist.com