Sinh viên xin việc ở vị trí đòi 2 năm kinh nghiệm: Làm sao?

0
175
Anh Trần Duy Khiêm: Giám đốc Phát triển Kinh doanh Công ty CP APETECHS, Huấn luyện viên tại Viện Đào tạo Logistics ONEX Training.

Đó là câu hỏi thú vị mà một bạn sinh viên năm tư tham dự sự kiện Keno.4 do Cộng đồng Nền Logistics cùng Khoa Quản trị Kinh doanh trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức vào thứ bảy 26.10.2024.

Sự kiện Keno.4 được tổ chức tại Thư viện trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Ở góc nhìn của mình, mình xin chia sẻ cách trả lời cho Bạn như sau:

1. VÌ SAO DOANH NGHIỆP ĐÒI HỎI 2 NĂM KINH NGHIỆM?

Doanh nghiệp vốn dĩ thực dụng, họ so sánh chuyện bỏ công ra đào tạo nhân sự và rủi ro nhân sự được đào tạo rồi sẽ nghỉ việc, cho nên, họ chọn phương án đưa ra yêu cầu CÓ KINH NGHIỆM từ đầu cho nó khoẻ, giảm rủi ro.

Nhưng ác một cái, tuyển người có kinh nghiệm thì chi phí cao hơn, do vậy, họ chơi ác là tuyển Sinh viên mới ra trường (hàm ý là chi phí lương thấp) mà lại đỡ tốn chi phí đào tạo, vào làm việc “ngay và luôn”.

Câu hỏi này đang làm khó các bạn sinh viên chưa ra trường, làm các bạn rất khó xử và thậm chí không dám ứng tuyển.

2. NÊN GIẢI BÀI TOÁN KINH NGHIỆM CHO SINH VIÊN NHƯ THẾ NÀO?

Có một câu nói khá nổi tiếng nói về quy tắc 10,000 giờ, đại ý là phải tích luỹ đủ “giờ bay” mới trở thành chuyên gia (bạn nào đọc cuốn Outliers – tên tiếng Việt là “Những kẻ xuất chúng” – của bác Malcom Gladwell thì sẽ biết).

Tuy nhiên, ít người biết rằng chỉ cần khoảng 2 tuần là một người mới có thể có được kiến thức trung bình ngành mà người đó gia nhập. Ví dụ, mình không học ngành Ngân hàng nhưng vẫn gia nhập và công tác trong ngành Ngân hàng 4 năm.

Vậy nên, sự thật là nếu Doanh nghiệp chịu khó đào tạo thì các bạn trẻ sẽ học hỏi và thích nghi nhanh với công việc. Hãy hình dung nếu từ năm 2, năm 3, các Bạn đã tham gia thực tập, kiến tập trong môi trường Doanh nghiệp thì sẽ thừa sức tích lũy đủ kỹ năng để thích nghi nhanh với công việc.

3. GIẢI PHÁP CHO CÁC BẠN SINH VIÊN CHƯA RA TRƯỜNG?

Khi gặp câu hỏi nói trên, rất đơn giản, Bạn hãy đưa ra các con số để định lượng được KINH NGHIỆM của các Bạn, ví dụ:

– Đã mở x,xxx tờ khai Hải quan

– Đã có 3 tháng thực tập thực tế tại Kho hàng của công ty ABC

– Đã có kinh nghiệm 3 tháng sử dụng phần mềm TMS, WMS của công ty TKS

– Đã viết 500 bài chăm sóc Fanpage xxx, giúp tăng lượt follower từ a lên b.

– Đã tổ chức 4 sự kiện tại Keno, thu hút khoảng 200 tham dự viên/sự kiện

Tất cả những con số đó là bằng chứng nói về kinh nghiệm chứ không phải 2 năm là con số phản ánh KINH NGHIỆM. Và Bạn có rất nhiều chọn lựa để tích lũy điểm kinh nghiệm, chỉ cần Bạn có tâm thế CHỦ ĐỘNG.

Khi đã hiểu luật “number talks louder” – “có số nói gì cũng được” thì các Bạn chỉ cần nghiên cứu công việc muốn làm sau khi ra trường, có sự chuẩn bị cho riêng mình và tự tin thể hiện với Nhà tuyển dụng.

À, sẽ có một số trường hợp Nhà tuyển dụng “cà chớn”, bày tỏ thái độ “các em phải thế này, phải thế kia”, kiểu ban ơn, thì các Bạn mạnh dạn chia tay sớm, để cơ hội cho các Doanh nghiệp uy ín và tôn trọng các Bạn! Nha!

Trân trọng và Yêu thương,

#ktbs#khiemtranbuoisang#apetechs#keno#onextraning