Hiện nay còn 1.501 dòng hàng đang chồng chéo quản lý giữa các bộ và đang tiếp tục cắt bỏ thủ tục hành chính.
Tiếp tục cải cách đáp ứng nhu cầu phát triển
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã thực hiện cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính mạnh mẽ.
Hơn 1.926 dòng hàng đã cắt giảm, cắt bỏ 30/120 thủ tục hành chính, tiết kiệm trên 12 triệu ngày công, tương đương với 5.442 nghìn tỷ đồng là con số ấn tượng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao công tác cải cách của Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, hiện nay còn 1.501 dòng hàng đang chồng chéo, các bộ đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, chúng ta cải cách tốt như vậy nhưng doanh nghiệp và người dân khi thực hiện thủ tục về xuất nhập khẩu hàng hóa còn đang chịu nhiều thủ tục, là các rào cản gia nhập thị trường, tăng chi phí và thời gian, tốn kém cho xã hội.
Do đó, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận giao Bộ Tài chính là cơ quan trực tiếp xây dựng đề án về kiểm tra chất lượng lượng an toàn thực phẩm tại cửa khẩu, theo hướng cơ quan Hải quan là cơ quan duy nhất, đầu mối kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các bộ kiểm tra chuyên ngành theo hướng hậu kiểm.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo đề án, tại cuộc họp này, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ rà soát trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 do WB công bố tháng 10/2019, các điểm số chỉ số thành phần, chi phí xuất nhập khẩu giao dịch thương mại qua biên giới không có thay đổi lớn so với các năm trước, tuy nhiên, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giảm 4 bậc (từ vị trí só 100 xuống vị trí 104/190 nước); chỉ số chung về môi trường kinh doanh giảm 1 bậc (từ vị trí số 69 lên đến vị trí 70/190 nước); vẫn đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN.
Do đó, cần có giải pháp cụ thể, đặc biệt là các giải pháp triển khai các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ cũng đã quyết định phải cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ.
“Đề án theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối tại cửa khẩu, trừ các mặt hàng đặc thù (kiểm tra động thực vật cơ quan Hải quan không có khả năng, những vật nhạy cảm…), còn những hàng hóa cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra được thì giao hết cho cơ quan Hải quan. Nếu làm tốt, cải cách này sẽ rất triệt để”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Về cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, phải xem xét các văn bản quy phạm pháp luật. Những nội dung liên quan đến các luật thì phải báo cáo Quốc hội. Những vấn đề liên quan đến Chính phủ thì báo cáo Chính phủ. Lộ trình thực hiện sẽ tách ra theo từng giai đoạn, nếu thuộc phạm vi chức năng của Chính phủ thì làm trước; còn các phạm vi thuộc các luật thì báo cáo Quốc hội để trình 1 luật sửa nhiều luật.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để tạo dư địa tăng trưởng, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan, trao đổi, thảo luận về các vấn đề có liên quan, đặc biệt là có chồng chéo hay không.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã trình bày tóm tắt Tờ trình 164/TTr-BTC ngày 16/9/2020 do Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án cải cách kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã thông tin đầy đủ các nội dung liên quan đến mục tiêu của Đề án, phạm vi của Đề án, cơ sở pháp lý xây dựng Đề án.
Trong đó, quá trình xây dựng Đề án, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, đơn vị, tổ chức liên quan thành lập Tổ soạn thảo Đề án; thành lập Tổ công tác triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ; tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Đề án nêu rất rõ 7 nội dung cải cách lớn, khác biệt so với hiện hành. Trong đó, một trong 7 điểm cái cách đó là giao cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Cơ quan Hải quan làm đầu mối là nội dung cải cách lớn
Theo Thứ trưởng, với nội dung cải cách trên, cơ sở để Bộ Tài chính đề xuất dựa trên việc rà soát quy định pháp luật hiện hành, từ đó xác định quy định hiện hành có cơ sở để giao cơ quan Hải quan kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hay không.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, Chính phủ đã giao cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Cụ thể tại Điểm e, Khoản 6, Điều 2 Quyết định 65/2015/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện công tác phân tích, kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đề nghị của các Bộ hoặc phân công của Thủ tướng Chính phủ.
Hay tại Điều 33 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015, Chính phủ đã giao cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trên cơ sở điều kiện, tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành theo chỉ định của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Tại Khoản 16, Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018, Chính phủ giao cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành.
Tại Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định cơ quan Hải quan có trách nhiệm chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 01 năm để kiểm tra hồ sơ an toàn thực phẩm theo quy định.
Như vậy trách nhiệm của cơ quan Hải quan theo quy định nêu trên là cơ sở quan trọng để Chính phủ giao nhiệm vụ lớn hơn cho cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, theo khoản 5, Điều 68 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng quy định căn cứ tình hình phát triển kinh tế-xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước tùy từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ chưa được quy định tại khoản 2, Điều 70.
Thực tế, căn cứ quy định này, tại Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ), Chính phủ quy định bổ sung 4 Bộ gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, căn cứ các quy định pháp luật hiện nay, để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng hàng hóa tại cửa khẩu, căn cứ khoản 5, Điều 68 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cần có Nghị định của Chính phủ quy định bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính về việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng Đề án, ban soạn thảo cũng đã rà soát Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định cơ quan Hải quan có trách nhiệm chọn ngẫu nhiên tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra giảm trong vòng 1 (một) năm để kiểm tra hồ sơ theo quy định; đồng thời Nghị định 15 cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan Hải quan.
Làm rõ hơn nội dung cải cách giao cơ quan Hải quan là đầu mối, Thứ trưởng cho biết, giao cơ quan Hải quan không có nghĩa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành không thực hiện mà ở đây tồn tại song song để DN có thể lựa chọn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, cải cách ở đây là Đề án giao thêm cho cơ quan Hải quan và DN được lựa chọn cơ quan Hải quan kiểm tra chuyên ngành hay là các bộ thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Đây là giai đoạn 1 của Đề án, giai đoạn 2 sẽ thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật Quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.
Để tổ chức thực hiện, Thứ trưởng cho biết cần thành lập Ban chỉ đạo Cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục thảo luận các nội dung của Đề án. Báo Hải quan sẽ cập nhật thông tin tới bạn đọc.