5 nhóm vấn đề được quy định tại Thông tư 17 liên quan đến hồ sơ yêu cầu, mẫu hàng hóa, thẩm quyền ban hành kết quả, thời hạn ban hành và biểu mẫu hồ sơ.
Về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại, theo quy định tại điểm 1, điểm 4 khoản 2 Điều 1 Thông tư 17 thì mỗi mặt hàng phải lập 1 phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa XNK kiêm biên bản lấy mẫu hàng hóa. Đối với tài liệu kỹ thuật, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan Hải quan phải nêu rõ lý do.
Liên quan đến vấn đề về mẫu hàng hóa gửi phân tích để phân loại, tại mục b, mục c điểm 1 khoản 3 Điều 1 Thông tư 17 quy định, số lượng mẫu gửi phân tích để phân loại phải đủ hai mẫu và không thực hiện lấy mẫu đối với trường hợp người khai hải quan chỉ NK một mẫu. Cơ quan Hải quan nơi yêu cầu phân tích là đơn vị gửi mẫu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, đặc biệt là không giao cho người khai hải quan chuyển mẫu.
Đối với vấn đề thẩm quyền ban hành thông báo kết quả, theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 Thông tư 17, kể từ ngày 12/4 Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan được phép ban hành Thông báo kết quả phân loại và Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm . Trong khi đó, chi cục trưởng Chi cục Kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, thông báo kết quả phân tích kèm mã số đề xuất.
Về thời hạn ban hành các thông báo, tại khoản 4 Điều 1 Thông tư 17 quy định rõ, thời hạn ban hành thông báo kết quả phân loại không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích.
Riêng về thời hạn ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, Thông tư 17 quy định không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích.
Cuối cùng là vấn đề liên quan đến biểu mẫu, tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 17 quy định 4 mẫu liên quan gồm: Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa XNK kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (mẫu số 05/PYCPT/2021); Thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa XNK (mẫu số 08/TBKQPL/2021); Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK (mẫu số 09/TBKQKT-CL-ATTP/2021) và thông báo kết quả phân tích kèm mã số đối với hàng hóa XNK (mẫu số 10/TBKQPTPL/2021).
Theo đại diện Cục Thuế XNK, Thông tư 17 đã quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK. Thông tư 17, ngoài việc đưa công tác quản lý hải quan theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian trong khâu xử lý, còn giúp tạo thuận lợi thương mại cho DN trong thông quan XNK hàng hóa bởi kéo giảm đáng kể thời gian làm thủ tục trong các hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Để triển khai có hiệu quả quy định tại Thông tư 17 vào thực tiễn, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục, vụ trực thuộc, cục hải quan tỉnh, thành phố tích cực tổ chức tập huấn, triển khai có hiệu quả quy định đến CBCC đặc biệt là CBCC làm công tác phân loại, phân tích hàng hóa. Đồng thời, các đơn vị Hải quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho cộng đồng DN nắm được để thực hiện đúng quy định tại Thông tư 17.
Theo đó, Tổng cục Hải quan lưu ý các đơn vị khi triển khai quy định tại Thông tư 17 cần chú ý tới các vấn đề về hồ sơ yêu cầu để phân tích, mẫu hàng hóa gửi để phân tích phân loại và các biểu mẫu quy định tại Thông tư 17 áp dụng đối với các lô hàng XNK đăng ký tờ khai từ ngày 12/4/2021 cũng như thời hạn hạn ban hành Thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu Cục Kiểm định hải quan khẩn trương trình Tổng cục Hải quan ký ban hành quy trình phân tích để phân loại, phân tích kiểm định hải quan đối với hàng hóa XNK nhằm triển khai có hiệu quả quy định này từ thực tế.