Không thể phủ nhận thời gian vừa qua, công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn là nỗi vất vả của DN khi làm thủ tục KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại cảng Hải Phòng với mong muốn theo chân doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu các lô hàng phải KTCN để thông quan hàng. Tuy nhiên, mong muốn đó chưa trọn vẹn bởi thời gian để theo lô hàng đó không phải chỉ trong một, hai ngày mà nhiều hơn thế.
Vừa bận rộn đọc hồ sơ vừa gõ máy tính nhập dữ liệu về lô hàng xuất nhập khẩu, ông Phan Văn Cường, Công ty TNHH Thương mại vận tải và Dịch vụ Đức Phát, Hải Phòng chia sẻ về guồng quay làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa.
Theo ông Phan Văn Cường, hiện nay số lượng mặt hàng thuộc diện KTCN còn rất nhiều. Trong đó, việc song trùng kiểm tra là vấn đề không xa lạ. Đơn giản như mặt hàng váng sữa, doanh nghiệp vừa phải làm thủ tục kiểm tra chất lượng vừa phải kiểm dịch. Để có thể hoàn thành hai loại kiểm tra, doanh nghiệp mất khá nhiều thời gian.
“Dù thời gian để kiểm tra chất lượng hàng hóa đã được đẩy nhanh hơn nhưng lô hàng vẫn phải chờ thời gian kiểm dịch mới xong. Tổng thời gian để hoàn thành thủ tục kiểm dịch lô hàng váng sữa doanh nghiệp phải mất 13 ngày. Cụ thể: 5 ngày xin giấy phép nhập khẩu từ Cục Thú y, 3 ngày đăng ký kiểm dịch tại Chi cục Thú y vùng 2, sau 5 ngày lấy mẫu mới có kết quả để được thông quan lô hàng” – ông Phan Văn Cường chia sẻ.
Tại Chi cục Hải quan Thủ Dầu Một (Cục Hải quan Bình Dương), chúng tôi được ông Dương Trung Việt, đại diện Công ty TNHH Kewpie Việt Nam cho biết, từ khi đăng ký tờ khai, truyền thông tin trên một cửa quốc gia thì nhanh, nhưng trên thực tế để thông quan hàng hóa mất nhiều thời gian do phải xin giấy phép KTCN.
Hiện nay quy định không áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia nên doanh nghiệp phải cung cấp bản gốc giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, sau đó, cơ quan Thú y sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra, có kết quả mới bổ sung cho cơ quan Hải quan để thông quan hàng hóa. Nếu không có vướng mắc gì thì khoảng 3-5 ngày lô hàng được thông quan. Nhưng trường hợp “cảm quan” được cho là “không đạt” thì doanh nghiệp sẽ phải tốn thêm chi phí kiểm nghiệm, chi phí bảo quản tại kho, nhất là mặt hàng trứng nhập khẩu từ Mỹ phải bảo quản đông lạnh, tiền điện tăng dẫn đến chi phí thuê kho tăng.
Tương tự, để thông quan cho các lô hàng nguyên liệu gỗ nhập khẩu kịp thời đưa vào sản xuất, ông Đặng Ngọc Sính, nhân viên xuất nhập khẩu Công ty Kaiser cho biết, “hành trình” chờ giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, rồi doanh nghiệp từ Bình Dương phải lên TPHCM nộp bản chứng thư cho cơ quan KTCN. Sau khi chờ cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm, khi có kết quả quay trở lại Cục Hải quan Bình Dương nộp lại cho cơ quan Hải quan thì mới thông quan được hàng hóa. Việc đi lại, chờ đợi như vậy khiến DN mất nhiều thời gian và chi phí.
Thế nhưng việc đi lại, mất thời gian cho các lô hàng trên, theo ông Sính, vẫn còn “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều so với việc nhập lô hàng nồi hơi do chịu nhiều hình thức quản lý, KTCN của nhiều bộ quy định như Bộ Công Thương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng kiểm tra chất lượng, Bộ Công Thương kiểm tra hiệu suất năng lượng. Nhất là giấy phép về kiểm tra hiệu suất năng lượng, để được thông quan, DN phải bỏ ra chi phí khoảng 70 triệu đồng cho một lô hàng. Trong đó, chi phí vé máy bay đi lại cho 4 cán bộ nhân viên từ Hà Nội vào Bình Dương để kiểm tra thực tế sản phẩm mất khoảng 20 triệu đồng. Trường hợp nếu sản phẩm không đạt, kiểm tra lại, chi phí phát sinh… tất cả DN đều phải chịu.
Ngoài ra, các mặt hàng như sữa chua, phô mai cũng đang chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành. Đó là giấy phép an toàn thực phẩm của Viện Vệ sinh an toàn thực phẩm và giấy kiểm dịch sản phẩm nguồn gốc từ động vật của Cục Thú y.
Việc áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý khác nhau đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh mà còn mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
(Bài 2: Chậm có kết quả kiểm tra là chuyện thường tình?)
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong triển khai Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015, triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.Việc thực hiện công tác cải cách KTCN đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành cũng đã ban hành Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN ngành kèm mã số HS; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các nhóm hàng phải KTCN, từng bước loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN. Đã từng bước thay đổi phương thức quản lý và KTCN thông qua việc áp dụng quản lý rủi ro và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.Song các kết quả đó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá trong công tác KTCN đối với hàng hóa nhập khẩu. Trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất giữa Luật và Nghị định hướng dẫn, giữa quy định và thực tế triển khai của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; còn tồn tại những quy định chưa phù hợp, quá mức cần thiết; quy định về miễn giảm chưa được áp dụng đầy đủ, thực chất; có nhiều cơ quan/tổ chức tham gia vào quy trình thông quan đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng dẫn đến thời gian làm thủ tục của doanh nghiệp bị kéo dài; còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong kiểm tra an toàn thực phẩm với kiểm dịch… |