Để xuất điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ tăng 10%
Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (Hiệp hội) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải góp ý, kiến nghị về biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam.
Đối với khung giá dịch vụ bốc dỡ container, dự thảo điều chỉnh Thông tư 54/2018 đang được các bộ, ngành nghiên cứu, hội thảo, lấy ý kiến đóng góp để xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, trung chuyển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện), khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện và cảng Cái Mép – Thị Vải lên 10% áp dụng từ năm 2021 và tăng thêm 10% từ năm 2023.
Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng, vì đặc điểm từng khu vực khác nhau, thời điểm để xem xét điều chỉnh giá cũng cần linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế, do đó, Hiệp hội đề xuất xem xét áp dụng điều chỉnh tăng khung biểu giá dịch vụ bốc dỡ container.
Cụ thể, đối với các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện), vì công suất sử dụng của các cảng khu vực này mới chỉ đạt 60-70%, nên đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục, bắt đầu ngay từ ngày 1/7/2021.
Đối với các cảng biển khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải, vì công suất sử dụng của các cảng khu vực này đã vượt xa công suất khả dụng thực tế 15% , do đó, Hiệp hội đề xuất tăng khung giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, trung chuyển lên ít nhất 20% so với giá tối thiểu đã được quy định tại Thông tư số 54/2018 ngay từ ngày 1/7/2021 và có lộ trình quy định tăng mỗi năm 10% cho các năm sau đến năm 2023.
Theo Hiệp hội, hiện nay khung biểu giá dịch vụ bốc dỡ của cảng biển Việt Nam đang ở mức thấp, giá bốc dỡ của các cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu Việt Nam khi so với những cảng chuyển tải lớn như Hongkong, Singapore hay Malaysia, Trung Quốc… thậm chí là cảng Phompenh, Campuchia (một cảng sông với mức đầu tư không lớn) giá bốc dỡ tại hai khu vực cảng nước sâu của Việt Nam (với mức đầu tư lớn và quy mô hiện đại) lại đều thấp hơn rất nhiều so với các cảng này.
Do đó, nếu so sánh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam với một số cảng trong khu vực được niêm yết có thể nhận thấy rõ tỷ suất lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cảng biển khu vực.
Hãng tàu nước ngoài thu lợi lớn
Theo Hiệp hội, hiện nay các hãng tàu nước ngoài đang thu lợi rất lớn từ cước vận tải biển quốc tế, phụ phí THC và phụ phí khác. Cụ thể, hãng tàu nước ngoài đang thu của doanh nghiệp XNK Việt Nam chỉ riêng phụ phí bốc dỡ (THC) với giá 114 USD/container 20 feet và 173 USD/container 40 feet. Mức thu phụ phí THC của các hãng tàu tại Việt Nam hiện cũng ngang bằng với các nước trong khu vực. Hiện Cục Hàng hải đã cố gắng cùng với các hiệp hội xem xét khống chế mức thu này để không tăng đột xuất.
Tại các cảng biển Việt Nam, với quy định Biểu khung giá dịch vụ bốc dỡ container về giá tối thiểu, giá tối đa hiện tại theo Thông tư 54/2018, vì hoạt động rời rạc và cạnh tranh lẫn nhau, nên các cảng hầu hết đều đang thu các hãng tàu nước ngoài với giá tối thiểu, hay nói cách khác, các hãng tàu nước ngoài đều đang trả cho các cảng phí bốc dỡ theo giá tối thiểu là 33 USD/teu tại khu vực Đình Vũ, 52 USD/teu tại khu vực Cái Mép; 41 USD/teu đối với khu vực TPHCM.
Vì vậy, nếu không thay đổi nâng khung giá tối thiểu, hàng năm Việt Nam mất hàng tỷ USD vào túi các hãng tàu nước ngoài do mức chênh lệch thu, chi của hãng tàu nước ngoài thu khách hàng XNK Việt Nam với các hãng tàu trả cho cảng là rất lớn – từ 68 USD đến 87 USD/teu, chỉ có các hãng tàu nước ngoài được hưởng lợi rất lớn từ nguồn tài nguyên quốc gia, còn các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm doanh nghiệp XNK và cảng biển) đều đang không được hưởng bất kỳ lợi ích nào dù chi phí logistics mà các khách hàng XNK phải trả cho các hãng tàu đang rất cao.
Thực tế, trong thời gian chỉ trong năm 2020, giá cước tại thời điểm tháng 12/2020 đã tăng gấp hơn 3 lần so với với thời điểm tháng 1/2020, cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và theo các chuyên gia dự báo, giá cước vận tải biển quốc tế sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Với sự gia tăng phi mã của giá cước, các hãng tàu, đặc biệt là hãng tàu ngoài đều có lợi nhuận rất lớn trong năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay của các hãng tàu đã đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.