Tiếp nối những câu chuyện mà chúng tôi được nghe từ những người đã và đang gắn bó với công việc xuất nhập khẩu, ông Lê Phú Duy, Công ty Makita Việt Nam cho biết, khá may mắn khi công ty có trụ sở tại Hà Nội nên quy trình xin giấy phép KTCN các mặt hàng như màn hình máy tính, phụ tùng máy móc của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ mất khoảng 10 ngày. Trái ngược với nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đi lại khá khó khăn. Các phí này không phải là nhỏ, buộc DN đưa vào chi phí cấu thành nên giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh.
Thường xuyên làm thủ tục tại Cục Hải quan TPHCM, chị Trần Thị Thanh Thúy, Công ty CP Savina cho biết, công ty chuyên nhập khẩu mặt hàng xe gắn máy thuộc diện phải kiểm tra chất lượng theo quy định, cụ thể là kiểm định khí thải. Nhưng ngặt một nỗi, hiện nay nước ngoài họ thực hiện EURO4, chuẩn bị áp dụng EURO5, trong khi đó ở Việt Nam mới áp dụng EURO3, nên việc kiểm định khí thải trong trường hợp này bị “vênh”, đôi khi DN phải kiểm định nhiều lần mới đạt, tốn rất nhiều chi phí.
Anh Dương Đình Phong, Phòng XNK Công ty TNHH Nông nghiệp Omega, doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu mặt hàng phân hữu cơ, mỗi lô hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra chất lượng. Theo quy trình, khi đăng ký tờ khai hải quan, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giám định tại cơ quan quản lý chuyên ngành để nộp cùng bộ hồ sơ hải quan. Sau khi được cơ quan Hải quan cho mang hàng về bảo quản , chờ kết quả giám định, doanh nghiệp phải liên hệ để lấy kết quả, nộp cho cơ quan Hải quan thực hiện thông quan cho lô hàng. Tuy nhiên trên thực tế, việc chậm kết quả kiểm tra chất lượng do quá tải tại cơ quan giám định là chuyện thường tình.
Quả thật, không khó để tìm thấy thông tin về việc cơ quan Hải quan xử phạt đối với những trường hợp bị áp dụng không cho mang hàng về bảo quản do vi phạm quy định về chậm nộp kết quả KTCN đã được quy định tại Khoản 6, Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 21, Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo Cục Hải quan TPHCM, tính đến cuối năm 2020, các chi cục hải quan cửa khẩu và ngoài cửa khẩu trực thuộc đã phát hiện có 167 doanh nghiệp vi phạm về chính sách quản lý chuyên ngành, trước đó con số doanh nghiệp vi phạm là khoảng 260 doanh nghiệp. Mặc dù số doanh nghiệp vi phạm giảm, nhưng có hàng chục trường hợp nợ kết quả KTCN nhiều năm nhưng không nộp cho cơ quan Hải quan theo quy định.
Trong số các doanh nghiệp nêu trên, có 157 doanh nghiệp được cho mang về bảo quản chờ kết quả KTCN, nhưng quá hạn 30 ngày chưa nộp kết quả kiểm tra. Đồng thời, có 10 doanh nghiệp nộp kết quả KTCN quá hạn bị Cục Hải quan TPHCM xử phạt vi phạm hành chính, không được đưa hàng về bảo quản trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Đáng chú ý, trong danh sách doanh nghiệp vi phạm chính sách quản lý KTCN lần này phần nhiều doanh nghiệp nợ kết quả KTCN trong lĩnh vực đăng kiểm. Theo quy định, Cục Hải quan TPHCM đã gửi danh sách các doanh nghiệp vi phạm trên đến các đơn vị Hải quan địa phương trong cả nước để phối hợp thực hiện chế tài đối với các doanh nghiệp vi phạm về KTCN.
Đó là chậm từ phía doanh nghiệp, còn từ phía cơ quan kiểm tra chất lượng cũng chậm gửi kết quả cho cơ quan Hải quan. Cuối năm 2020, Tổng cục Hải quan đã có các văn bản gửi các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải phản ánh về việc chậm nộp kết quả kiểm tra. Theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan: trường hợp hàng hóa phải KTCN về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, phương tiện vận tải nhập khẩu thì cơ quan Hải quan căn cứ kết quả kiểm tra của cơ quan KTCN để quyết định việc thông quan. Thời hạn KTCN đối với hàng hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Cơ quan, tổ chức KTCN có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan Hải quan trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra.
Theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 25/1/2015) thì trong thời hạn tối đa 10 ngày kể từ ngày cấp giấy đăng ký KTCN hoặc ngày lấy mẫu KTCN trừ trường hợp pháp luật về KTCN có quy định khác, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức KTCN có thẩm quyền phải có kết luận kiểm tra và gửi cơ quan Hải quan theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan hoặc gửi tới Cổng thông tin một cửa quốc gia, trong trường hợp cơ quan kiểm tra có hệ thống công nghệ thông tin kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia để cơ quan Hải quan quyết định việc thông quan hàng hóa. Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan, tổ chức KTCN chưa có kết luận KTCN thì phải có văn bản nêu rõ lý do và ngày ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan Hải quan.
Quy định rõ ràng như vậy, nhưng thực tế, theo phản ánh của một số cục hải quan các tỉnh, thành phố, có nhiều lô hàng được đưa về bảo quản để KTCN, đã quá thời hạn nhưng chưa nhận được thông báo kết quả kiểm tra; một số cơ quan, tổ chức kiểm tra có văn bản trả lời về việc chậm thông báo kết quả kiểm tra nhưng không xác định thời điểm sẽ ban hành kết quả kiểm tra, dẫn đến nhiều lô hàng nhập khẩu đến nay chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan, gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát hải quan, doanh nghiệp cũng chưa thể đưa hàng hóa vào lưu thông.
Thậm chí, thời gian qua cơ quan Hải quan đã phát hiện ra nhiều trường hợp hàng hóa được phép đưa về kho của doanh nghiệp bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chất lượng nhưng doanh nghiệp đã tự ý tiêu thụ hàng hóa khi chưa có kết quả kiểm tra.