Gỡ vướng quy định về khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan

Thời gian qua, triển khai thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 128) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan từ thực tế đã phát sinh một số vướng mắc. Để các đơn vị hải quan địa phương có cơ sở thực hiện và hướng dẫn cụ thể DN, Tổng cục Hải quan đã nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định áp dụng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả trong xử phạt vi phạm hành chính.

0
558
Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) phối hợp phát hiện và thu giữ số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo. Ảnh: H.Nụ

Một số đơn vị Hải quan địa phương cho biết, trong thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, DN đã có văn bản báo cáo không thể thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và đề nghị tịch thu sung quỹ nhà nước, tang vật vi phạm còn giá trị sử dụng, giá trị thương mại, không phải là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Trước đề nghị của DN, các đơn vị hải quan địa phương hỏi đối với trường hợp trên người có thẩm quyền có thể ra quyết định tịch thu trước thời hạn quy định hay không?

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, các đơn vị hải quan địa phương cần căn cứ hồ sơ vụ việc cụ thể. Trường hợp cơ quan Hải quan có đủ căn cứ để xác định DN quá thời hạn quy định mà không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a và b khoản 5 Điều 5 Nghị định 128. Tang vật vi phạm không thuộc trường hợp phải bị tiêu hủy và DN có văn bản đề nghị tịch thu thì xem xét tịch thu trước thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 128. Trong đó, các chứng từ, tài liệu có liên quan làm căn cứ xác định phải được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc.

Cũng trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, các đơn vị hải quan địa phương đã gặp vướng mắc liên quan đến trường hợp DN không hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh.

Các đơn vị hải quan cho biết, thực tế phát sinh trường hợp, kết quả xác minh tại ngân hàng, công an phường, cục thuế địa phương, DN không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh, cơ quan Hải quan không liên hệ được với DN; tài khoản ngân hàng không có số dư khả dụng… Các đơn vị hải quan nhấn mạnh, vụ việc không thuộc trường hợp DN giải thể, phá sản hoặc hàng hóa cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, khi xử lý vấn đề này, cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong việc cưỡng chế thực hiện và chưa có hướng xử lý đối với hàng hóa vi phạm trên để giải phóng kho bãi, vỏ container…

Để có hướng dẫn xử lý phù hợp với tình huống, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị báo cáo vụ việc cụ thể liên quan đến trường hợp DN không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh. Trong đó, các đơn vị cần cung cấp đầy đủ thông tin cụ thể như bộ hồ sơ hải quan, biện pháp khắc phục hậu quả cần áp dụng, tang vật vi phạm là loại hàng hóa gì, kết quả điều tra, xác minh để ra quyết định xử phạt có sự phối hợp với các lực lượng khác trong và ngoài cục không?

Các đơn vị cũng nêu trường hợp DN không thực hiện được hoặc đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng biện pháp khắc phục hậu quả ghi trên Quyết định xử phạt vẫn không thực hiện được. Các đơn vị nêu ví dụ thực tiễn, Công ty X NK hàng giả mạo nhãn hiệu. Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, công ty ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức phạt bổ sung, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hàng giả mạo nhãn hiệu sau khi loại bỏ yếu tố vi phạm. Thực hiện quyết định, Công ty X loại bỏ yếu tố vi phạm nhưng không loại bỏ được yếu tố vi phạm khỏi hàng hóa hoặc đối tác nước ngoài không nhận lại hàng hóa…, Công ty X có văn bản xin được tiêu hủy lô hàng và chịu mọi chi phí liên quan đến việc tiêu hủy.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Nghị định 97/2017/NĐ-CP thì vụ việc không thuộc trường hợp sửa đổi, bổ sung, đính chính quyết định xử phạt vi phạm hành chính do đó không thay đổi được biện pháp khắc phục hậu quả trên quyết định xử phạt đã ban hành.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị báo cáo vụ việc cụ thể (kèm hồ sơ và đề xuất) để Tổng cục Hải quan có cơ sở xem xét, trả lời phù hợp với tình huống đơn vị đã nêu.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính, các đơn vị hải quan địa phương cho biết, khỏan 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “2. Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào NSNN hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”.

Thực tế phát sinh trường hợp, vụ việc thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 65. Tang vật vi phạm là mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu, bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng. Theo đó, các đơn vị thắc mắc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu sung NSNN và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hay được ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính?

Các đơn vị nhấn mạnh, trường hợp được ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì người có thẩm quyền xem xét ra quyết định tại điều này là người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu hay người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả?

Đối với thắc mắc này, Tổng cục Hải quan cho rằng, khoản 2 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 2 tình huống để người có thẩm quyền lựa chọn trong trường hợp không ra quyết định xử phạt. Cụ thể, người có thẩm quyền có thể ra quyết định tịch thu sung vào NSNN hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, có hai mẫu quyết định riêng biệt sử dụng cho 2 tình huống nêu trên gồm mẫu Quyết định số 12 – Quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính và mẫu Quyết định số 13 – Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả ban hành kèm theo Phụ lục mẫu biên bản và quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017.

Đối với việc xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, theo Tổng cục Hải quan, thẩm quyền xử phạt (bao gồm cả thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả) được quy định tại Điều 42 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 29 Nghị định 128. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị căn cứ hồ sơ vụ việc cụ thể và quy định nêu trên để giải quyết vụ việc đúng quy định.

Một số đơn vị hải quan cũng nêu, Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại quy định chế tài xử phạt đối với hành vi NK hàng giả là phạt tiền, hình thức phạt áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản này; b) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tải xuất hàng giả đối với hành vi NK hàng giả quy định tại Điều này”.

Theo các đơn vị hải quan địa phương, quy định trên được hiểu, trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất hoặc hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ thì không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả.

Các đơn vị cho rằng, thực tế, việc không áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố vi phạm khi áp dụng biện pháp buộc ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sẽ có nhiều rủi ro, hàng giả được tiêu thụ tại các quốc gia khác…

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan ghi nhận và sẽ có ý kiến với Bộ Công Thương khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung vào thời gian tới.

(Theo Hải quan)