Máy móc thiết bị vượt dệt may
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận, từ đầu năm đến 15/5, cả nước có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may, tăng thêm 2 nhóm so với cùng kỳ 2020.
2 nhóm hàng mới đạt được cột mốc này là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.
Trong đó, máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 13,34 tỷ USD là nhóm hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất của “top 4” nhóm hàng chủ lực.
Cụ thể, so với cùng kỳ 2020, kim ngạch của nhóm hàng này tăng tới 77% (tương đương con số tăng thêm 5,8 tỷ USD).
Với tốc độ tăng trưởng cao và quy mô kim ngạch lớn nên máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đã vượt dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, EU, Nhật Bản là 3 cái tên đứng đầu của nhóm hàng này và đều có tốc độ tăng trưởng cao.
Cập nhật theo thị trường hết tháng 4, xuất khẩu máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sang Mỹ đạt 5,71 tỷ USD, tăng mạnh 157%, tương ứng tăng 3,49 tỷ USD.
Tiếp đến là EU đạt 1,61 tỷ USD, tăng 76,5%, tương ứng tăng 697 triệu USD; Nhật Bản đạt 856 triệu USD, tăng 30,5%, tương ứng tăng 200 triệu USD.
Đối với dệt may, từ đầu năm đến 15/5, tổng kim ngạch đạt 10,79 tỷ USD, tăng 12,9% tương đương 1,23 tỷ USD.
Dù thấp hơn so với nhóm hàng máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhưng đây là con số tăng thêm khá ấn tượng của dệt may bởi cả năm 2020 ngành hàng chủ lực này gặp nhiều khó khăn và tăng trưởng âm 9,2%.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD (cập nhật theo thị trường hết tháng 4), tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Các thị trường tiếp theo là Nhật Bản đạt 1,07 tỷ USD, giảm 9,8%; EU đạt 942 triệu USD, tăng 12,8%…
Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, 2 vị trí đầu tiên và giữ ổn định như vài năm gần đây với điện thoại và linh kiện đứng số 1; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ở vị trí tiếp sau.
Đến 15/5, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 19,92 tỷ USD, tăng 21,5% (tương đương kim ngạch tăng thêm 3,52 tỷ USD).
Các thị trường xuất khẩu của nhóm hàng hết sức phong phú, nhưng tập trung lớn nhất ở Trung Quốc, Mỹ, EU.
Trong đó, thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất với tốc độ 45%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD. Trong khi thị trường Mỹ chỉ tăng nhẹ 6% và EU còn bị giảm 13,8%.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao 30% tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 4 tỷ USD.
Mỹ, Trung Quốc, EU cũng là những thị trường xuất khẩu lớn nhất. Nhưng khác với điện thoại, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lại tăng mạnh ở Mỹ (46,9%) và E( (47,2%), trong khi giảm ở thị trường Trung Quốc (giảm 3,7%).
Nhóm hàng đầu tiên đạt 20 tỷ USD
Ở chiều nhập khẩu, có nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên, tương đương số lượng cùng kỳ năm ngoái và cũng là 2 cái tên quen thuộc gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Tuy nhiên, kim ngạch tăng thêm của cả 2 nhóm đều ở mức cao.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 24,94 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ 2020 (tương đương con số tăng thêm 5,2 tỷ USD). Đây cũng là nhóm hàng đầu tiên (kể cả xuất khẩu và nhập khẩu) đạt cột mốc 20 tỷ USD tính đến thời điểm 15/5.
Cập nhật theo thị trường hết tháng 4, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc trở thành nhà cung cấp lớn nhất đối với nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cho Việt Nam.
Nguyên nhân do nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Trung Quốc tăng cao tới 61% so với cùng kỳ năm trước và đạt 6,3 tỷ USD, trong khi thị trường Hàn Quốc chỉ là 5,84 tỷ USD, tăng nhẹ 6%.
Máy móc móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,85 tỷ USD tăng 33,94% (tương đương kim ngạch tăng thêm 4,27 tỷ USD).
Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 7,46 tỷ USD (cập nhật hết tháng 4), tăng 65% so với cùng kỳ năm trước (tương đương tăng 2,95 tỷ USD) và chiếm tỷ trọng 51%.
Tiếp theo là Hàn Quốc với 2,29 tỷ USD, tăng 15,2%; Nhật Bản: 1,47 tỷ USD, giảm 6,9%…