“Ông lớn” vận tải biển tính “phá băng”, tham vọng bỏ túi gần 1.000 tỷ đồng

Giao thương, đi lại bằng đường biển hầu như vẫn bị "đóng băng" do Covid-19. Tuy vậy, ông chủ đang nắm giữ đội tàu biển lớn nhất Việt Nam VIMC đặt tham vọng sẽ thu lãi 1.000 tỷ đồng trong năm 2021.

0
409

Thông tin trên được nêu ra tại phiên họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), diễn ra hôm nay (22/4).

VIMC hiện nắm giữ cổ phần chi phối tại 19 công ty con và có vốn góp tại 15 công ty liên kết. Với việc sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm gần 25% tổng số m cầu bến quốc gia), khả năng thông qua hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước); trong số đó có các cảng trọng điểm của cả nước như Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng container hiện đại tại khu vực Cái Mép – Thị Vải.

Đội tàu vận tải biển của VIMC có tổng trọng tải lên tới gần 1,5 triệu tấn, thỏa mãn được các công ước quốc tế, hoạt động trên phạm vi toàn cầu; các công ty dịch vụ logistics có hệ thống kho bãi quy mô lớn, VIMC đang giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam.

Năm 2020, VIMC đã hoàn tất các thủ tục để trở thành công ty đại chúng quy mô lớn và hơn 1,2 tỷ cổ phần của VIMC đã được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng giám đốc VIMC – cho biết: Covid-19 khiến ngành hàng hải Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Các doanh nghiệp vận tải biển và dịch vụ logistics đối mặt với việc khan hiếm nguồn hàng vận chuyển, tình hình cạnh tranh gay gắt, giá cước vận tải biển vẫn ở mức rất thấp.

Theo ông Tĩnh, năm 2020, tổng sản lượng của khối cảng biển đạt 110,6 triệu tấn, tăng so với thực hiện năm 2019 và kế hoạch năm 2020. Tổng lợi nhuận trước thuế toàn khối đạt 1.402 tỷ đồng, tăng 9,8% so với kế hoạch.

Đề cập tới vấn đề thuyền viên, ông Tĩnh cho biết đây là vấn đề khủng hoảng và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề đối với lực lượng thuyền viên và gia đình. Việc thay thuyền viên gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thực hiện được và cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp giải quyết.

Liên quan đến việc chia cổ tức, đại diện VMIC cho biết, theo số liệu tài chính tại báo cáo tài chính công ty mẹ đã được kiểm toán, doanh thu năm 2020 đạt gần 651 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 1.100 tỷ đồng nên việc phân phối lợi nhuận chưa được thực hiện trong năm 2020.

Nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ là do điều chỉnh bổ sung phân bổ, trích lập các chi phí từ các tồn tại về tài sản công nợ trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước trước đây, khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

Ông Tĩnh đưa ra nhận định năm 2021 và cho rằng bức tranh của ngành hàng hải thế giới nói chung sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Ngành hàng hải vốn chưa hết khó khăn bởi suy thoái sâu và kéo dài hơn mười năm qua lại tiếp tục gặp “con sóng dữ” do Covid-19 đem đến. Mọi hoạt động giao thương, đi lại trên toàn thế giới hầu như vẫn bị “đóng băng”.

“VIMC đặt ra mục tiêu tổng doanh thu năm 2021 đạt khoảng 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 944 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của công ty mẹ là gần 1.400 tỷ đồng” – ông Tĩnh cho biết thêm.

(Theo Dân trí)