Cảng Chân Mây sắp đón tàu tải trọng “khủng” đến 70.000 DWT

Công ty CP cảng Chân Mây đang hoàn thiện các thủ tục để được chính thức tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT...

0
1154

Ông Huỳnh Văn Toàn, TGĐ Công ty CP cảng Chân Mây cho biết, đơn vị này đang đẩy nhanh tiến độ các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường trình Cục Hàng hải VN xem xét, quyết định cho cảng này chính thức tiếp nhận tàu hàng tải trọng 70.000 DWT theo chấp thuận trước đó của Bộ GTVT.

“Dự kiến, các thủ tục này sẽ được hoàn tất vào tháng 7/2021. Khi ấy, cảng Chân Mây sẽ bắt đầu đón các tàu 70.000 DWT giảm tải chở than nhập khẩu từ Úc và chở hàng dăm xuất khẩu từ Việt Nam đi thị trường Nhật Bản”, ông Toàn thông tin.

Trước đó, tháng 4/2021, Bộ GTVT có Văn bản số 3270 gửi Cục Hàng hải VN và Công ty CP cảng Chân Mây về việc cho phép bến số 1, 2 Cảng Chân Mây được tiếp nhận hàng container và chủ trương nghiên cứu cải tạo, nâng cấp cầu cảng phục vụ tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 DWT.

Văn bản nêu rõ, tại Quyết định số 2369 năm 2016 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm 3) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu bến cảng Chân Mây được quy hoạch là khu bến tổng hợp, container, kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế; tiếp nhận tàu hàng trọng tải từ 30.000 – 50.000 DWT, tàu hàng container có sức chứa đến 4.000 TEU, tàu khách đến 225.000 GT.

Theo báo cáo của Cục Hàng hải VN, bến cảng số 1, số 2 cảng Chân Mây được công bố và thỏa thuận với thông số kỹ thuật lần lượt là chiều dài cầu cảng 300m và 280m (kết hợp trụ neo), vũng quay tàu có đường kính là 470m và 340 m. Các công trình có kích thước nói trên có thể đáp ứng việc tiếp nhận cỡ tàu trọng tải đến 70.000 DWT.

Để tận dụng, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, Bộ GTVT thống nhất chủ trương cho phép bến số 1, bến số 2 cảng Chân Mây được tiếp nhận hàng container và chủ trương nghiên cứu cải tạo nâng cấp tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 DWT.

Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn chuyên ngành căn cứ điều kiện hiện hữu của tuyến luồng hàng hải vào khu bến cảng để tính toán, xây dựng phương án điều động tàu quay trở, neo đậu, vào, rời bến cảng hợp lý; không chồng lấn hành lang an toàn của luồng tàu khi có tàu neo đậu tại cầu cảng; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

“Công ty CP cảng Chân Mây cũng phải bố trí trang thiết bị bốc dỡ, vận chuyển, lưu trữ hàng hóa đồng bộ, phù hợp với công năng bến cảng, cỡ tàu khai thác; tự huy động vốn để đầu tư mở rộng vũng quay tàu, nâng cấp cầu cảng; khai thác đúng công năng, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư và khai thác bến cảng; không kiến nghị Bộ GTVT đầu tư nâng cấp luồng tàu”, Bộ GTVT yêu cầu.

Cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, cảng đang sở hữu bến số 1 có chiều dài 480m. Trong đó, tuyến bến phía biển dài 360m, với độ sâu trước bến -12,5m, có khả năng tiếp nhận các tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000DWT và tàu du lịch quốc tế đến hơn 225.000GT.

Bến số 2 đang được triển khai xây dựng với cầu tàu dài 280m, năng lực tiếp nhận tàu đến 70.000 DWT giảm tải, 50.000 DWT đầy tải, dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 7/2021.

(Theo Giao thông)