ITF dự báo hoạt động vận tải toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050

0
1176

Diễn đàn vận tải quốc tế (ITF), một diễn đàn thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo Tổng quan về vận tải 2021. Báo cáo của tổ chức chuyên nghiên cứu về chính sách trong lĩnh vực giao thông vận tải đã được công bố trước khi Hội nghị thượng đỉnh hàng năm của các bộ trưởng giao thông diễn ra trực tuyến từ ngày 17/5 đến ngày 28/5/2021.

ITF Transport Outlook là báo cáo thường niên của ITF. Báo cáo năm 2021 có thể được đọc tại đây.

Trong đó, ITF dự báo hoạt động giao thông trên phạm vi toàn toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 và lượng khí thải từ các hoạt động này sẽ tăng 16% so với năm cơ sở 2015 – ngay cả khi những cam kết về vận tải không phát thải carbon được thực thi đầy đủ.

Hoạt động vận tải hàng hóa toàn cầu cũng được dự báo tăng 2,6 lần (tính theo khối lượng hàng hóa luân chuyển, đơn vị tấn – km) và dự báo lượng khí thải CO2 sẽ tăng 22% trong cùng khung thời gian nêu trên.

Báo cáo lưu ý rằng ngành vận tải đang ở thời điểm then chốt và cần hành động quyết liệt để thúc đẩy các biện pháp giảm carbon trong vận chuyển hàng hóa nhằm giảm chi phí và khí thải. Điều này đòi hỏi hàng loạt các biện pháp để thúc đẩy hợp tác quốc tế vì khí thải từ vận chuyển hàng hóa thương mại cũng quan trọng không kém lượng khí thải từ hoạt động di chuyển của con người.

Nội dung đáng chú ý trong số những điểm chính được rút ra từ báo cáo là các tác giả dự báo rằng vai trò của các doanh nghiệp nhỏ trong vận tải hàng hóa sẽ giảm xuống.

Báo cáo nêu rõ là “khủng hoảng kinh tế, tăng cường tự động hóa, sự phát triển của bán lẻ trực tuyến và động thái đầu tư vào giảm carbon trong vận tải có thể dẫn đến một thị trường vận chuyển hàng hóa có tính tập trung cao hơn và các doanh nghiệp nhỏ sẽ có ít đất diễn hơn”, đồng thời đưa ra luận điểm thường thấy về việc các hãng vận tải có thể đồng loạt giảm năng lực chuyên chở để đẩy cước vận tải lên cao.

Riêng với lĩnh vực vận tải container, các hãng tàu lớn đã liên tục “lớn” thêm sau 3 làn sóng mua lại và sáp nhập

ITF cũng đề cập đến một vấn đề mà họ đã tập trung nghiên cứu trong suốt những năm gần đây là mối liên hệ giữa ngành hàng hải và thuế.

“Ngành hàng hải đang đối mặt với một rủi ro đạo đức. Sự đảm bảo rằng các chủ khai thác phương tiện sẽ được cứu trợ tài chính kết hợp với việc miễn giảm các loại thuế sẽ khiến cho các doanh nghiệp vận tải biển đá quả bóng rủi ro sang khu vực công”, báo cáo cho biết, và xác nhận rằng ngành vận tải biển chỉ phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp vào khoảng 7% trong khi mức thuế pháp định toàn cầu là 24%.

Với phần khuyến nghị chính sách, ITF đề xuất các chính phủ cần ưu tiên nhiều cho việc giảm carbon trong vận chuyển hàng hóa giống như cách mà họ đang thực hiện với vận chuyển hành khách. Cơ quan này thúc giục các chính phủ phải tạo ra các môi trường kinh doanh phù hợp để thúc đẩy việc giảm khí thải carbon.

Báo cáo của ITF nêu rõ “Chính phủ các nước cần tạo ra một khuôn khổ thống nhất các biện pháp khuyến khích cũng như mức phạt về kinh tế và pháp lý để gắn kết mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững. Khung thử nghiệm này có thể bao gồm: thuế carbon, hạn chế vùng hoạt động, quy định về nhiên liệu và các gói cứu trợ có điều kiện đối với cam kết giảm thải carbon”. Trong phần giới thiệu về báo cáo Tổng quan về vận tải năm nay, Tổng thư ký ITF Young Tae Kim nhấn mạnh: “Báo cáo cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu của ITF về 3 thách thức lớn hiện nay: đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và bất bình đẳng. Báo cáo không những chỉ ra cách các vấn đề này liên quan với nhau như thế nào mà còn xác định các hành động cụ thể để đảm bảo quá trình chuyển đổi hiệu quả và công bằng sang giao thông bền vững ở các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu dưới những biến động gây ra bởi đại dịch”.

Dù Việt Nam không phải là thành viên của ITF, nhưng báo cáo Tổng quan về Vận tải 2021 đã không “bỏ qua” Việt Nam. Theo đó, trong phần nêu ra những hoạt động nổi bật trong những năm qua, ITF cho biết là từ tháng 5/2018, diễn đàn này đã có những đóng góp vào quá trình xây dựng Hệ thống thống kê logistics tại Việt Nam (Logistics Statistical System for Vietnam, VLSS). Mục tiêu chính trong việc tạo ra VLSS là lưu trữ tất cả dữ liệu vận tải và logistics vào một đầu mối duy nhất, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phổ biến dữ liệu để cuối cùng, dữ liệu có thể được sử dụng theo cách thức hiệu quả nhất. Để bổ sung khoảng trống dữ liệu mà nhóm dự án xác định là cấp thiết nhất, ITF đã tạo một khảo sát để thu thập dữ liệu điểm xuất phát – điểm đến về chuyển động của hàng hóa tính theo tấn và đơn giá, theo phương thức vận tải và theo loại hàng hóa ở quy mô cấp tỉnh trong năm 2018. Nghiên cứu đã tạo ra bộ dữ liệu đầu tiên cho Việt Nam về dòng chảy hàng hóa theo từng tỉnh thành.

Nền Logistix | Đặng Dương & Tâm Vũ / Theo Splash247