Thuế GTGT đối với mặt hàng máy móc, thiết bị dùng trong chăn nuôi, nông nghiệp

Để các cục hải quan tỉnh, thành phố có cơ sở hướng dẫn DN áp dụng chính sách thuế GTGT đối với máy, thiết bị chuyên dùng trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Hải quan vừa có giải đáp đối với một số trường hợp phát sinh vướng mắc cụ thể.

0
660

Trong quá trình tiếp nhận và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa NK của Công ty TNHH TMKT Cường Thịnh, Cục Hải quan Đồng Nai đã gặp khó khăn đối với việc xác định máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất chăn nuôi.

Theo Tổng cục Hải quan, khoản 1 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ; khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính đã quy định cụ thể đối tượng không chịu thuế GTGT. “Máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gồm: Máy cày, máy bừa; máy phay; máy rạch hàng; máy bạt gốc; thiết bị san phẳng đồng ruộng, máy gieo hạt; máy cấy; máy trồng mía; hệ thống máy sản xuất máy thăm; máy xới, máy vun luống, máy vãi, rắc phân, bón phân; máy, bình phun thuốc bảo vệ thực vật; máy thu hoạch lúa, ngô, mía, cà phê, bông; máy thu hoạch củ, quả, rễ; máy đốn chè, máy hái chè; máy tuốt đập lúa; máy bóc bẹ tẽ hạt ngô; máy tẽ ngô; máy đập đậu tương; máy bóc vỏ lạc; xát vỏ cà phê; máy, thiết bị sơ chế cà phê, thóc ướt; máy sấy nông sản (lúa, ngô, cà phê, tiểu, điều), thủy sản; máy thu gom, bốc mía, lúa, rơm rạ trên đồng; máy ấp, nở trứng gia cầm; máy thu hoạch cỏ, máy đóng kiện rơm, cỏ; máy vắt sữa và các loại máy chuyên dùng khác”.

Cũng tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn các loại máy chuyên dùng khác dùng cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản này”.

Bộ Tài chính đã có các công văn hướng dẫn chi tiết danh sách các loại máy, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trong đó, theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 1677/BTC-TCT ngày 29/1/2016 của Bộ Tài chính nêu: “Bộ NN&PTNT hoặc Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố xác nhận các máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC; điểm 1 công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/9/2015 và điểm 1 công văn này theo nguyên tắc: Máy, thiết bị và linh kiện đồng bộ để lắp ráp thành máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và không thể sử dụng cho mục đích khác là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế”.

Còn theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/9/2015 của Bộ Tài chính về thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp, thì: “Đối với linh kiện đồng bộ NK để lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp: Việc phân loại linh kiện NK đồng bộ để lắp rắp máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được căn cứ vào Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài chính, Chú giải chi tiết HS, Chú giải bổ sung AHTN, các quy tắc phân loại hàng hóa và Thông tư 14/2015/TT BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa XNK”.

Theo quy tắc 2a tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài chính: “Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chỉnh hay hoàn thiện theo nội dung Quy tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời”.

Với các quy định, hướng dẫn cụ thể trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp linh kiện NK được xác định là linh kiện đồng bộ để lắp ráp máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và được áp cùng một mã HS với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì linh kiện đồng bộ này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Còn theo ý kiến của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai tại công văn số 1661/SNN-PTNT&QLCL ngày 22/4/2021 về việc xác nhận máy móc, linh kiện chuyên dùng cho phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Loại quạt hút của Công ty TNHH TMKT Cường Thịnh NK để lắp đặt trong hệ thống làm mát phục vụ sản xuất chăn nuôi. Tuy nhiên, loại quạt này cũng có thể được dùng để làm mát, lưu thông trong không khí trong các nhà kho, nhà xưởng. Vì vậy, loại quạt hút của Công ty TNHH TMKT Cường Thịnh NK là thiết bị đa năng, không phải là máy chuyên dùng trong sản xuất nông nghiệp”.

“Loại quạt hút này được NK đồng bộ với các thiết bị trong hệ thống làm mát để lắp đặt tại một trang trại chăn nuôi cụ thể thì được xác định là hệ thống máy móc, thiết bị linh kiện đồng bộ chuyên dùng trong sản xuất nông nghiệp, không dùng cho mục đích khác. Nguyên tắc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/9/2015 về thuế GTGT đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp”, Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tại báo cáo của Cục Hải quan Đồng Nai không nêu cụ thể mặt hàng quạt hút có hay không được NK đồng bộ với các thiết bị trong hệ thống làm mát để lắp đặt tại một trang trại chăn nuôi cụ thể theo nội dung công văn số 1661/SNN-PTNT&QLCL ngày 22/4/2021 của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai. Do vậy, Tổng cục Hải quan không có cơ sở xác định tính đồng bộ của hàng hóa theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/9/2015 của Bộ Tài chính.

Do đó, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan Đồng Nai căn cứ các quy định hiện hành và hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc áp dụng chính sách thuế GTGT đối với máy, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp, đối chiếu với hàng hóa thực tế NK của Công ty TNHH TMKT Cường Thịnh để xác định cụ thể hàng hóa có đáp ứng yêu cầu là máy, thiết bị, linh kiện đồng bộ để lắp ráp thành máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và không thể sử dụng cho mục đích khác, trên cơ sở đó áp dụng chính sách thuế GTGT đúng quy định.

Đối với thắc mắc của Cục Hải quan Cần Thơ về thuế GTGT máy kéo nông nghiệp, Tổng cục Hải quan cho rằng, khoản 1 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP, khoản 2 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC đã quy định rõ.

Trong khi đó, tại công văn số 860/SNN-KHTC ngày 3/5/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng khẳng định, các dòng máy kéo nông nghiệp do Công ty TNHH Le Loi liệt kê thì theo nhà sản xuất về công năng đương nhiên đây là các dòng máy kéo nông nghiệp phục vụ cho việc cày, bừa, xới, san phẳng đồng ruộng.

Mới đây, ngày 13/5/2021, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng có công văn số 967/SNN-KHTC phản hồi Cục Hải quan Cần Thơ. Theo đó, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng có làm việc với Công ty TNHH Le Loi được biết có 19 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mua 21 máy kéo và cam kết sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, không sử dụng vào mục đích khác.

Mặc dù vậy, ý kiến của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng không khẳng định xác nhận mặt hàng NK của DN là máy, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc “chỉ sử dụng trong nông nghiệp, không thể sử dụng cho mục đích khác như hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 1677/BTC-TCT ngày 29/01/2016 của Bộ Tài chính (mà chỉ nêu ý kiến theo cam kết của DN và công năng theo nhà sản xuất). Tại các văn bản trả lời của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng không xác định cụ thể cấu tạo kỹ thuật của mặt hàng (model, thông số kỹ thuật, chức năng chi tiết). Do đó, Tổng cục Hải quan cho rằng, không có cơ sở để xác định mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

(Theo Hải quan)