Hãng tàu Wan Hai Lines, hãng rất mạnh với các tuyến vận chuyển nội Á, đang mở rộng mạng lưới vận chuyển toàn cầu bằng việc khai trương tuyến dịch vụ hàng tuần mới kết nối các cảng châu Á với các cảng ở bờ Đông của Mỹ, tuyến AA7. Wan Hai Lines là hãng tàu hàng đầu thế giới với quy mô đội tàu lớn thứ 3 Đài Loan (sau Evergreen và Yang Ming), lớn thứ 6 châu Á (thêm COSCO, ONE, HMM) và đứng thứ 11 danh sách các hãng tàu container lớn nhất thế giới.
Tuyến dịch vụ AA7 sẽ được khai thác với 10 tàu container với sức chở từ 2.800 đến 4.000 TEU. Hải trình của tuyến dịch vụ là Taipei (Đài Bắc) – Xiamen (Hạ Môn) – Shekou – Cái Mép – New York – Savannah – Taipei. Chuyến đầu tiên dự kiến khởi hành từ cảng Taipei vào ngày 18/6 với tàu JEJU Island có sức chở 2.800 TEU.
Wan Hai hiện đang vận hành một đội tàu có 144 tàu gồm 81 tàu do hãng trực tiếp sở hữu và 63 tàu thuê. Cuối tháng 5 vừa qua, hãng tàu đã ký hợp đồng với xưởng đóng tàu Samsung Heavy Industries để đóng mới bốn tàu container sức chở 13.100 TEU, kế hoạch Wan Hai sẽ bắt đầu nhận tàu trong quý II năm 2023.
Tuyến AA7 do Wan Hai khai thác độc lập là một trong những tuyến gần nhất được các hãng tàu triển khai nhằm đáp ứng lượng hàng xuất khẩu tăng rất mạnh sang Mĩ trong những tháng vừa qua. Trước đó, tuyến TP23/ZSE/Liberty (theo cách gọi của từng hãng tàu Maersk/ZIM/MSC, Maersk và MSC là thành viên của liên minh 2M) cũng được được thông báo triển khai từ tháng 3 năm nay nhưng mới triển khai chuyến đầu tiên vào ngày 8/6 vừa qua.
Điểm chung đáng chú ý của hai tuyến dịch vụ mới đi bờ Đông là tàu chạy hai tuyến này đều cập Cái Mép – Thị Vải, cảng container nước sâu đầu tiên của Việt Nam. Tuyến TP23 có hải trình từ Cái Mép đến Yantian (cảng này đang kẹt cứng do đợt bùng phát COVID mới), băng qua Thái Bình Dương đến kênh đào Panama rồi ghé các cảng ở bờ Đông là Charleston, Savannah và New York, sau đó băng qua Đại Tây Dương, vào Địa Trung Hải rồi đi qua kênh đào Suez (chỗ này từng kẹt cứng hồi tháng 3 năm nay) để về lại các cảng Đông Nam Á. Tại Cái Mép, tàu chạy tuyến TP23 sẽ làm hàng tại cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT).
Trong khi đó, tuyến AA7 của Wan Hai sẽ cập cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT), cảng container nước sâu có sản lượng thông qua lớn nhất tại Việt Nam. Wan Hai cũng là một trong các hãng tàu góp vốn vào cảng TCIT.
Sự triển khai thêm các tuyến trực tiếp đi Mỹ tại Cái Mép – Thị Vải là tin ít nhiều tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh chỗ đi Mỹ đang khá hạn chế trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh kẹt cảng tại một số cảng lớn trên thế giới thì giá cước đi Mỹ lại tăng nên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp khó khăn khi xuất hàng sang Mỹ.
Nền Logistix | Trung Tuân