Doanh nghiệp bán lẻ “ép” Tổng thống Biden khắc phục vấn đề tắc nghẽn cảng ở Mỹ

0
1003
Cảng Los Angeles, một trong những cảng biển lớn nhất của Mỹ và cũng là cảng đã ghi nhận hiện tượng kẹt cảng nghiêm trọng trong năm 2021.

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) mới đây đã đề nghị Tổng thống Joe Biden can thiệp và hỗ trợ khắc phục tình trạng tắc nghẽn cảng trong bối cảnh các nhà bán lẻ phải đối mặt với mùa cao điểm bán hàng khó khăn nhất từ trước đến nay.

Trong một bức thư gửi tới Nhà Trắng, Chủ tịch và Giám đốc điều hành NRF Matthew Shay đã viết, “Các vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại các cảng biển chính của Mỹ đang mang đến những thách thức đáng kể cho các nhà bán lẻ”. Ông nhấn mạnh, “Tắc nghẽn cảng không chỉ khiến cho chuỗi cung ứng của các nhà bán lẻ bị kéo dài thêm nhiều tuần mà còn dẫn đến tình trạng thiếu hàng tồn kho, ảnh hưởng đến khả năng phục vụ khách hàng của chúng tôi. Ngoài ra, sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng khiến cho các nhà bán lẻ phải đối diện với bài toán chi phí vận chuyển và kho bãi tăng lên đáng kể”.

Chủ tịch NRF cho rằng khi chính quyền của Tổng thống Biden tiến hành đánh giá chuỗi cung ứng cho các lĩnh vực quan trọng, bao gồm lĩnh vực vận tải, thì việc đánh giá đúng thực trạng tại các cảng biển và hoạt động vận chuyển hàng hóa ở Mỹ phải là một thành phần quan trọng trong chiến lược của chính quyền.

Mới tuần trước, Nhà Trắng đã thông báo thành lập Tổ công tác đặc biệt về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Được dẫn dắt bởi các Bộ trưởng Bộ Thương mại, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp, Tổ công tác sẽ triệu tập toàn bộ các bên liên quan trong chuỗi cung ứng “để đánh giá toàn diện các vấn đề hiện hữu và đề xuất các giải pháp – từ nhỏ đến lớn, trong lĩnh vực công hay tư – để có thể giúp giảm bớt tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và trở ngại về nguồn cung”.

Đến đầu tuần này, NRF đã công bố kết quả cuộc khảo sát mới được thực hiện với các đơn vị bán lẻ thành viên, khảo sát cho thấy có đến 97% các nhà bán lẻ cho rằng họ đã bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn cảng và sự chậm trễ trong hoạt động vận chuyển. Hơn 2/3 phản hồi cho biết chuỗi cung ứng của họ phải kéo dài thêm 2-3 tuần vì tắc nghẽn ở đâu đó không phải lỗi của họ, sự chậm trễ này còn có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn trong những tuần tới khi các chuỗi cung ứng này phải đương đầu với tình trạng hỗn loạn do dịch COVID-19 đã bùng phát tại các cảng biển quan trọng ở phía Nam Trung Quốc. Dữ liệu vệ tinh mới nhất cho thấy hiện có đến gần 100 tàu container đang neo đậu ngoài khơi các cảng ở phía nam Trung Quốc để chờ cập cảng, tăng nhiều lần so với con số 15 tàu cách đây một tháng.

Ảnh chụp vào ngày 7/6 cho thấy tại cảng Yantian có đến 33 tàu container nằm chờ cầu. Dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong khu vực, đặc biệt có chùm ca bệnh liên quan đến công nhân cảng, đã khiến hoạt động cảng bị ngưng trệ. Yantian là một trong những cảng container lớn nhất ở Nam Trung Quốc.

Cơn đau đầu của các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ trong việc tìm đâu ra hàng hóa để đưa lên các kệ trưng bày có vẻ như đã tìm được liều thuốc cần thiết trong những ngày qua, khi bỗng nhiên một trong những ông lớn trong ngành bán lẻ của Mỹ quyết định tự mình giải quyết vấn đề. Home Depot, nhà bán lẻ nội thất lớn nhất ở Mỹ, đã đứng ra thuê hẳn một con tàu container chỉ để chở hàng hóa của chính mình.

Home Depot là nhà bán lẻ nhập khẩu container nhiều thứ ba tại Mỹ, chỉ đứng sau hai ông khổng lồ khác là Walmart và Target.

Về doanh số, Home Depot là nhà bán lẻ lớn thứ 6 của Mỹ trong năm 2019. Nguồn: Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF)

Tin tức về quyết định của Home Depot đã và đang giúp cho các phương tiện truyền thông trong ngành giật được nhiều cái tít đáng chú ý. Nhưng động thái của Home Depot thực sự là gì? Khi được Splash liên hệ để lấy ý kiến, các chuyên gia trong ngành vận tải biển cho rằng động thái của gã khổng lồ trong lĩnh vực bán lẻ này là nhằm mục đích gửi thông điệp đến các đối tác trong vận tải biển (tức là các hãng tàu và các tập đoàn logistics) hơn là Home Depot tự hoạch định hoạt động vận tải độc lập của riêng mình, vì Home Depot chỉ thuê mỗi một con tàu, và một tàu thì cùng lắm mỗi tháng chỉ chạy được đúng một chuyến thôi.

Trao đổi với Splash, một nhà phân tích cho rằng: “Đây có thể chỉ là một động thái mang tính biểu tượng để các hãng tàu thấy rằng các tập đoàn bán lẻ đã sẵn sàng thực hiện phương án này nếu các hãng tàu không đưa ra mức giá hợp lý sớm hơn”.

Nền Logistix | Đặng Dương & Đan Thanh / Theo Splash247