Mặc dù kênh đào Suez đã không còn bị tàu Ever Given chắn ngang từ cuối tháng 3 năm nay, nhưng tranh chấp liên quan đến sự cố mắc kẹt tại kênh đào vẫn đang tiếp diễn tại tòa án, và sự lình xình này liên quan đến lượng hàng hóa trị giá đến gần 800 triệu USD kẹt trên tàu và đang khiến các chủ hàng thấp thỏm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đang lo lắng tìm cách thu hồi hàng hóa trên tàu Ever Given, con tàu hiện vẫn đang bị tạm giữ tại Suez.
Lượng hàng được tàu Ever Given chuyên chở ước tính trị giá khoảng 780 triệu USD, trong đó có hàng hóa các thương hiệu nổi tiếng như IKEA và Lenovo. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, nhóm 5 mặt hàng chiếm khối lượng nhiều nhất trên tàu theo thứ tự là hàng điện tử, máy móc và thiết bị, đồ gia dụng (household goods), hàng nội thất và giày dép. Các doanh nghiệp nhỏ hơn như Pearson 1860 và Snuggy (đều tại Anh) cũng có sản phẩm bị mắc kẹt trên tàu.
Ông Will Pearson, Giám đốc của doanh nghiệp bán xe đạp Pearson 1860 dự báo rằng trong trường hợp tệ nhất, sản phẩm của doanh ngiệp có thể bị mắc kẹt đến vài năm. Trao đổi với CNN Business, ông cho biết: “Chúng tôi không có nhiều hy vọng về khả năng nhận được lượng hàng này trong năm nay và mặc dù lô hàng vẫn an toàn trong quá trình vận chuyển, chúng tôi đoán rằng có rất ít cơ hội để sự vụ có thể được giải quyết trong vài tháng, nếu không muốn nói là sẽ phải mất vài năm”. Lượng hàng của Pearson 1860 kẹt trên tàu Ever Given trị giá trên 100.000 USD.
Trong khi đó, Snuggy, một doanh nghiệp cung cấp chăn quấn (wearable blanket) ở Anh, có lượng hàng trên tàu Ever Given trị giá đến 400.000 bảng Anh (tương đương gần 13 tỷ đồng) bao gồm 8.000 sản phẩm cho người lớn và trẻ em, đây là những mặt hàng đang bán rất chạy của thương hiệu này.
Jack Griffiths, đồng sở hữu Snuggy, cho biết “Trước khi sự cố Suez xảy ra, chúng tôi đã lên kế hoạch nhận lô hàng vào ngày 10/4, nhưng cho đến giờ thì lô hàng mới hoàn thành một nửa hành trình. Và kể cả khi con tàu rời Suez hôm nay, điều chắc chắn không thể xảy ra, thì chúng tôi cũng phải chờ thêm ít nhất là 3 tuần nữa. Sự chờ đợi này sẽ còn kéo dài hàng tháng trời”.
Tàu Ever Given đã bị tòa án Ai Cập quyết định giữ lại cùng với 18.300 TEU hàng hóa trên tàu sau khi Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) đệ đơn yêu cầu chủ tàu Nhật Bản khoản bồi thường trên 900 triệu USD. Trước đó, con tàu mắc kẹt trong đoạn luồng của một trong hai kênh đào bận rộn nhất thế giới, khiến lưu thông qua kênh bị tắc nghẽn suốt 6 ngày.
Cho đến nay, các doanh nghiệp có hàng trên tàu Ever Given cho biết họ vẫn mù tịt về những gì sẽ xảy ra với các lô hàng của mình trong bối cảnh các thủ tục pháp lý vẫn tiếp tục.
Và thực ra thì các doanh nghiệp không chỉ lo lắng về hàng hóa trên tàu, họ còn đang ngồi trên đống lửa vì một phần chi phí xử lý sự cố sẽ liên đới đến chính các doanh nghiệp có hàng trên tàu, theo một nguyên tắc hàng hải được gọi là tổn thất chung.
Theo BDP International, tổn thất chung trong luật hàng hải là tổn thất xảy ra chung cho tất cả các bên liên quan trong vận tải hàng hóa trên biển (chủ tàu, chủ hàng…), trong đó các bên cùng chia sẻ bất kỳ thiệt hại hoặc tổn thất nào xảy ra do sự hy sinh của một phần con tàu hoặc hàng hóa để bảo vệ lợi ích cho toàn bộ (con tàu và hàng hóa) trong tình huống khẩn cấp.
Còn theo luật Hàng hải Việt Nam 2015, khoản 1 Điều 292 của Bộ luật quy định khái niệm “Tổn thất chung” như sau: “Tổn thất chung là những hy sinh và chi phí bất thường được thực hiện một cách có ý thức và hợp lý vì sự an toàn chung nhằm cứu tàu, hàng hóa, hành lý, giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách thoát khỏi hiểm họa chung”.
Cơ sở của nguyên tắc này là một bên chịu thiệt hại tài chính rất lớn để bảo toàn tình trạng cho tài sản thuộc về người khác thì có quyền được bồi thường cho tổn thất đó. Theo các nguồn tin khác nhau, Shoei Kisen, chủ tàu Ever Given đã tuyên bố Tổn thất chung vào ngày 1/4/2021, vài ngày sau khi con tàu được cứu khỏi việc mắc kẹt tại kênh đào Suez.
Nền Logistix | Đặng Dương / Tổng hợp từ Teeside Live, Yahoo Finance, Jalopnik