TCIT đạt kỷ lục sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ cao nhất Việt Nam

Sản lượng xếp dỡ trên một tàu mẹ cao nhất của Việt Nam vừa được Cảng quốc tế Tân cảng- Cái Mép (TCIT) thiết lập mới vào rạng sáng nay 19/6.

0
897
15.800 TEU trên tàu MONACO BRIDGE đã được xếp dỡ vào lúc rạng sáng ngày 19/6/2021.

Chỉ trong vòng chưa đầy 7 ngày, mức kỷ lục sản lượng xếp dỡ tàu mẹ tại Cảng quốc tế Tân cảng- Cái Mép (TCIT) đã liên tục được thiết lập, từ 14.235 TEU trên con tàu MEISHAN BRIDGE vào 10/6/2021 vừa bị “soán ngôi” bởi mức 15.800 TEU trên tàu MONACO BRIDGE vào lúc rạng sáng ngày 19/6/2021.

Đây cũng là mức sản lượng xếp dỡ trên một tàu mẹ cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, liên tục khẳng định, nâng tầm vị thế của ngành cảng biển Việt Nam nói chung và khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải cũng như cảng TCIT nói riêng.

Liên tục bứt phá và thiết lập các kỷ lục về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ, cảng TCIT một lần nữa đã chứng minh năng lực của cảng container nước sâu lớn nhất Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế của Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng thông qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải đạt 2,3 triệu TEU, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng container xuất nhập khẩu với Mỹ đạt gần 1,3 triệu TEU, tăng 35% so với cùng kỳ. Khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải liên tục là nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm.

TCIT đạt kỷ lục sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ cao nhất Việt Nam
Các mốc kỷ lục về sản lượng xếp dỡ tàu mẹ tại cảng nước sâu lớn nhất cả nước

Ông Akira Kurita, Tổng giám đốc cảng TCIT cho biết, sản lượng thông qua cảng TCIT trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 1,1 triệu TEU, tăng 13 % so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 42% thị phần khu vực cảng container nước sâu Cái Mép – Thị Vải.

Hơn thế nữa, cảng TCIT tiếp tục được các hãng tàu tin tưởng lựa chọn là đối tác tin cậy để phát triển mở rộng thị trường tại Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, TCIT đã tiếp nhận thêm 3 tuyến dịch vụ mới: AA3, AA7 (kết nối Việt Nam – Mỹ) và CI8 (kết nối Việt Nam – Tây Ấn Độ) của hãng tàu Wan Hai, nâng tổng số tuyến dịch vụ quốc tế tại TCIT lên 11 tuyến, trong đó có 7 tuyến kết nối với Bắc Mỹ, 1 tuyến kết nối với Mỹ-Canada, 1 tuyến châu Âu và 2 tuyến Nội Á.

(Theo Hải quan)