Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chính sách, giải pháp phục vụ xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại.
Trong văn bản này, VCCI cho biết, theo phản ánh của các doanh nghiệp, chi phí logistic có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay về cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.
Điển hình như giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Southamton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/ container, đến tháng 12/2020 là 5.000 USD/ container và tháng 5/2021 là 9.100 USD/ container. Tương tự, giá vận tải container từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Hoa Kỳ) cũng đã tăng từ 1.800 USD hồi đầu năm 2020 lên mức 8.000 USD/ container hiện tại; đi cảng Jacksonville (Hoa Kỳ) cũng tăng từ 3.900 USD lên mức 12.000 USD/container…
Mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container, do tình trạng được báo là thiếu container tại các cảng, các tuyến. Theo phản ánh của doanh nghiệp, muốn thuê container cũng phải đặt trước 1 tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được container. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.
Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày)/chuyến gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu, nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên gấp bội.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thị trường container rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí các doanh nghiệp đã có được booking container (đăng ký container) rồi nhưng do cước phí thuê container tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác nếu trả cước cao hơn. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3/2021 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.
Việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho các lô hàng xuất khẩu lẫn các lô nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng, đồng thời cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển do không thuê được cont. vận chuyển.
Với các yếu tố trên đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và, không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến rất nhiều khó khăn.
Do dịch bệnh Covid 19, các doanh nghiệp đã rất khó khăn mới ký được các đơn hàng nhưng ngay cả khi có đơn hàng, với việc cước phí thuê container tăng quá cao và doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thuê được container hàng để xuất nhập hàng hóa, các doanh nghiệp cũng đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình đốn sản xuất do giá thành sản xuất tăng cao và không xuất khẩu được hàng hóa.
Do vậy, VCCI đề nghị thành lập Tổ Công tác của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container. Tổ Công tác này cần làm việc chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng, các cảng biển, các hãng tàu… để đưa ra các giải pháp hạn chế tình trạng thao túng giá, đẩy giá của một số bên.
Đối với logistics nội địa, VCCI nhận định, chi phí logistics nội địa chiếm tỷ lệ quá cao trong giá thành sản phẩm ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Lợi thế thuế quan theo các FTA thậm chí không đủ để bù đắp chi phí logistics gia tăng. Dù đã có nhiều sáng kiến, gợi ý đã được đưa ra, song tình hình chưa có cải thiện, các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn tiếp tục nêu những bất cập vốn đã được đề cập từ các năm trước. Theo VCCI, các giải pháp về logistics, đặc biệt là hạ tầng logistics (chung và theo đặc điểm từng ngành hàng, từng địa bàn), đòi hỏi vốn đầu tư lớn từ Nhà nước và sự tham gia đồng thời của nhiều Bộ ngành, các địa phương liên quan. Các đề xuất hành động và việc triển khai phải được xem xét bởi cơ quan có thẩm quyền đủ mạnh. Do vậy, VCCI đề nghị thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng logistics nhằm rà soát thực tế, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định về các biện pháp cụ thể giải quyết các vấn đề về hạ tầng logistics. Tổ công tác sẽ đóng vai trò đầu mối phối hợp các Bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể đã được cấp có thẩm quyền quyết định, thúc đẩy giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. VCCI cũng đề xuất, Tổ Công tác cần tập trung vào lĩnh vực hạ tầng logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản và tập trung tại khu vực kinh tế trọng điểm phía nam (ĐBSCL). |