Chi phí chính thức cũng hành doanh nghiệp

Gánh nặng chi phí không chính thức, chính thức là lý do các hiệp hội DN liên tiếp gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, đề nghị xem xét, đánh giá lại tính hợp lý của nhiều quy định.

0
505

Gánh nặng chi phí

Khó khăn không phải là điều mà các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn nhắc đến nhiều vào lúc này.

“Hiện tại, bất cứ chính sách gì giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đều rất quý”, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group chia sẻ khi được hỏi có đề xuất gì tới Chính phủ liên quan đến các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong tính toán của ông Tín, nửa năm tới, tình hình sẽ vẫn rất khó khăn, kể cả khi các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang có kế hoạch mở lại. Container vẫn thiếu trầm trọng. Cước phí vận chuyển hàng hóa đi Mỹ vẫn rất cao, nên nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam không còn sức cạnh tranh nữa, nhất là với các mặt hàng của Mexico.

Trong khi đó, ở trong nước, tình hình dịch bệnh phức tạp tại nhiều khu công nghiệp đang buộc doanh nghiệp phải chi rất nhiều cho hoạt động phòng dịch, hỗ trợ người lao động, sắp xếp lại dây chuyền sản xuất. 

Nhưng đáng nói là, trong số các khoản chi phí, có nhiều loại theo doanh nghiệp là không phù hợp, đã có kiến nghị xem xét lại nhiều lần, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Trong Công văn vừa gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo các nhóm ý kiến lớn tổng hợp từ phản ánh của hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong 2, tháng 4 và tháng 5/2021, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã nhắc tới những kiến nghị đã gửi từ nhiều tháng nay.

Trong đó, quyết định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.HCM và yêu cầu triển khai lắp đặt đồng loạt camera có chức năng tổng hợp và truyền tải dữ liệu cho cơ quan quản lý… được dành phần ưu tiên. Cả hai hoạt động này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/7/2021.

Thậm chí, Ban IV còn đính kèm đơn kiến nghị lần thứ 7 của Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang. 6 lần trước, hiệp hội này đã gửi riêng lẻ hoặc tổng hợp trong kiến nghị chung của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA)…

“Các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan một lần nữa rà soát, làm rõ tính cấp thiết, tính cần thiết của việc áp dụng các quy định nói trên tại thời điểm này so với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong bối cảnh dịch để ra quyết định cho thấu đáo, tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt”, Ban IV thay mặt các doanh nghiệp gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Lo tư duy cục bộ

Thực tế, liên quan đến việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM và TP. Hải Phòng, doanh nghiệp đã có ý kiến đề nghị bãi bỏ nhiều lần. Riêng Ban IV từng báo cáo vào tháng 12/2020 và đã được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét, xử lý.

Cuối tháng 4/2021, trong báo cáo các quy định cần phải đánh giá lại để sửa đổi, bổ sung gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đề xuất thẳng thắn hơn. Đó là đề nghị TP.HCM xem xét không thu các loại phí trên ít nhất là cho đến hết 31/12/2021, đồng thời điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống theo hướng không coi đây là nguồn đóng góp ngân sách chính cho TP.HCM.

“TP.HCM cần công khai, minh bạch, cụ thể các khoản thu, chi và chi như thế nào, vào những công trình cụ thể nào, không sử dụng ngân sách thu từ những khoản này vào các hoạt động, các công trình không phục vụ hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu tại các cảng biển của các doanh nghiệp”, Vasep kiến nghị.

Vì hiện tại, các doanh nghiệp đang phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng như các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT… Tại các cảng, doanh nghiệp cũng phải đóng nhiều loại phí liên quan đến hạ tầng của cảng như phí cầu tàu, phí lưu container, lưu bãi, phí cắm điện, nâng hạ container…

Thử tính một container đi từ Khánh Hòa tới cảng Cát Lái (TP.HCM), qua 7 trạm thu phí BOT, chi phí 1 trạm là 360.000 đồng, phí cầu đường là 2,5 triệu đồng. Với một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản quy mô trung bình ở Khánh Hòa, mỗi năm xuất khoảng 3.000 container, chi phí qua trạm BOT khoảng 7,5 tỷ đồng/năm, nếu gánh thêm khoản phí mới này, thì số tiền phải chi thêm là khoảng 5,5 tỷ đồng/năm…

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND TP. Hải Phòng phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét, xử lý kiến nghị về thu phí hạ tầng cảng biển theo thẩm quyền, phù hợp với quy định pháp luật phí, lệ phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng yêu cầu TP.HCM và Hải Phòng rà soát việc thu phí đảm bảo đúng các quy định của Luật Phí và Lệ phí.

Đến nay, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản trả lời, tuy vẫn theo hướng giải thích sự hợp lý của mức phí đang thu. Riêng TP.HCM chưa có phản hồi gì.

“Với chính sách mang đậm tính cục bộ địa phương như vậy, doanh nghiệp rất khó có được sân chơi thực sự công bằng”, ông Tín nói và cho rằng, cần xem xét giới hạn các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ở tầm văn bản luật, nghị định, không quy định ở cấp văn bản thấp hơn.

(Theo Đầu tư)