Nhiều DN phản ánh đang phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan tới thuế XNK, xuất phát từ việc các mô tả hàng hóa gắn với mã HS hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa giúp cho người thực thi có thể phân định thuận lợi.
Theo doanh nghiệp phản ánh, thực tế 1 mã hàng có thể áp cho vài mặt hàng hoặc nhiều mã hàng có thể áp cho 1 mặt hàng, dẫn đến tình trạng ở thời điểm NK, DN được cơ quan Hải quan ấn định 1 mã nhưng sau một thời gian triển khai kiểm tra sau thông quan thì lại yêu cầu áp mã khác và truy thu thuế.
Cũng theo doanh nghiệp, trong thực tế có rất nhiều trường hợp mặt hàng “lưỡng tính” có thể áp các mã HS khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan Hải quan. Khi DN khai báo, DN xác định một mã HS và theo mã đó mặt hàng không thuộc diện phải xin giấy phép NK. Tuy nhiên, sau khi cơ quan Hải quan xem xét, hồ sơ, ấn định lại một mã HS khác thì mặt hàng lại rơi vào trường hợp phải xin giấy phép NK. Khi đó, có thể DN sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, điều này rất khó khăn cho DN khi NK các mặt hàng lần đầu.
Do đó, các DN đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan rà soát các mô tả HS để xác định những trường hợp còn gây nhầm lẫn, chồng lấn trong cách hiểu, cách áp dụng để sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.
Về vấn đề DN đề xuất, theo Tổng cục Hải quan, hiện Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các nước đàm phán xây dựng Danh mục HS, Danh mục Biểu thuế ASEAN, đưa các mặt hàng dễ lẫn, khó phân loại vào Danh mục với các tiêu chí phân biệt rõ ràng để thực hiện trong cách hiểu thống nhất, tránh gây nhầm lẫn, chồng lấn.
Đồng thời, ban hành công văn hướng dẫn thống nhất đối với các mặt hàng khó, phức tạp, các mặt hàng có ý kiến của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để đảm bảo việc áp dụng Danh mục HS tuân thủ đúng mô tả và cách hiếu thống nhất với các nước ASEAN và các thành viên WTO.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng đã và đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các Danh mục quản lý chuyên ngành, thống nhất việc áp dụng mã số đối với hàng hóa quản lý chuyên ngành, phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế, và đảm bảo đủ tiêu chí để phân loại hàng hóa.
Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tập trung để tra cứu, thống nhất trong thực hiện phân loại. Hệ thống đang tiếp tục được nâng cấp, xây dựng mới để tạo thuận lợi, hỗ trợ DN có thể sử dụng tra cứu, tham khảo trong quá trình khai báo mã số HS, đồng thời để thống nhất trong thực hiện phân loại.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan thường xuyên tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ Hải quan và cộng đồng DN nâng cao nhận thức, năng lực trong lĩnh vực phân loại hàng hóa.
Thời gian tới, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN trong hoạt động XNK hàng hóa.