Liên tục tăng cỡ tàu tiếp nhận
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng chia sẻ, theo đúng thiết kế, các đoạn luồng hàng hải Hải Phòng chỉ đáp ứng được những tàu có trọng tải khoảng 3.000 DWT vào, rời các bến cảng trên sông Cấm.
Tàu khoảng 10.000 DWT vào, rời các bến cảng trên sông Bạch Đằng (khu vực Đình Vũ) và tàu khoảng 100.000 DWT giảm tải vào bến cảng Lạch Huyện.
Tuy nhiên, hiện nhiều bến cảng tại Hải Phòng đã tiếp nhận những con tàu lớn hơn tải trọng thiết kế rất nhiều. Bến cảng ở khu vực sông Cấm (Hoàng Diệu, Đoạn Xá) và các bến cảng khu vực Đình Vũ (Tân Vũ, MPC, Nam Đình Vũ) có thể tiếp nhận tàu trên 40.000 DWT, bến cảng Nam Hải Đình Vũ tiếp nhận được tàu 48.000 DWT và bến cảng Lạch Huyện tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến gần 133.000 DWT.
Theo ông Vũ, kết quả trên có được do thời gian qua, các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng đã được duy tu, nạo vét. Đồng thời, cảng vụ đã tận dụng chế độ thủy triều khu vực là nhật triều với độ cao thủy triều lớn, có thời điểm độ cao thủy triều đạt 3,8m để lập kế hoạch cho các tàu thuyền có mớn nước sâu hành hải.
Tại khu vực phía Nam, tàu mẹ đến khai thác tuyến dịch vụ tại cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) cũng không ngừng tăng về tải trọng. Theo chuẩn tắc thiết kế ban đầu, luồng hàng hải kết nối CM-TV chỉ đáp ứng cho tàu trọng tải 80.000 DWT.
Tuy nhiên, từ năm 2013, Cục Hàng hải VN đã đề xuất nâng cấp tuyến luồng đáp ứng cho tàu 100.000 DWT hành hải và phối hợp với các doanh nghiệp cảng liên tục thử nghiệm đón những con tàu “siêu lớn”.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó TGĐ Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, nếu năm 2011, cỡ tàu vào CMIT chỉ khoảng 132.000 DWT thì đến nay, cảng này đã có thể tiếp nhận tàu mẹ lớn nhất thế giới, trọng tải đến 214.000 DWT.
Đại diện Phòng Kết cấu Công trình hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, giải pháp nâng cao khả năng tiếp nhận tàu trong điều kiện luồng lạch hạn chế đã giúp cảng biển Việt Nam đáp ứng được nhu cầu phát triển của đội tàu thế giới, song cũng gặp phải không ít khó khăn. Cục Hàng hải cũng yêu cầu chủ cảng chạy mô phỏng (nếu cần thiết) để chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản đón tàu.
Bứt phá sản lượng hàng hóa
Theo ông Nguyễn Anh Vũ, vài năm trở lại đây, hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng ghi nhận mức tăng bình quân từ 15 – 20%/năm. Nếu năm 2000, hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng chỉ đạt 7,5 triệu tấn, sau 10 năm, sản lượng hàng hóa đạt hơn 83 triệu tấn.
Số lượng tàu trọng tải trên 100.000 DWT vào Hải Phòng ngày càng tăng với 67 lượt (năm 2019), 93 lượt (năm 2020) và 22 lượt trong 5 tháng đầu năm 2021 kết nối tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương vận tải hàng hóa khu vực miền Bắc Việt Nam đi thẳng bờ Tây Hoa Kỳ và Canada.
Tại khu vực phía Nam, bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, theo tính toán, năm 2012, tổng công suất thiết kế của các bến cảng container hoạt động tại khu vực CM-TV đạt hơn 6 triệu TEUs nhưng sản lượng thực tế thông qua chỉ đạt khoảng 16% công suất.
Lượng hàng chưa đủ lớn, số tuyến dịch vụ quốc tế kết nối giảm từ 16 tuyến (năm 2011) xuống chỉ còn 8 tuyến (năm 2012).
Sau gần một thập kỷ, CM-TV hiện đã có “sức sống” mới, mức tăng trưởng hàng hóa trung bình 18%/năm trong 3 năm gần đây; Hình thành được 16 tuyến tàu xa đi Bắc Mỹ và châu Âu vượt trội hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á (chỉ đứng sau Malaysia và Singapore).
Từ một cụm cảng “èo uột” về công suất khai thác, năm 2020, sản lượng hàng hóa qua CM-TV đã vượt 155% công suất thiết kế. Hàng hóa thông qua khu vực CM-TV nói chung đạt hơn 120% lượng hàng dự báo qua khu bến sông Thị Vải đến năm 2020 (theo kịch bản cao).
“Nhờ các giải pháp phát huy hiệu quả cảng biển hiện hữu, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đến năm 2020 cũng đã đạt 93 – 104% so với dự báo theo quy hoạch chi tiết và đạt từ 102 – 108% so với quy hoạch tổng thể. 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù nền kinh tế toàn cầu vẫn chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng lượt tàu nước ngoài đến cảng biển Việt Nam vẫn tăng 11%, sản lượng hàng container tăng tới 22% so với cùng kỳ năm trước”, bà Thương thông tin.
Chia sẻ trách nhiệm đầu tư hạ tầng hàng hải công cộng
Theo Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện cỡ tàu 10.000 – 21.000 TEUs chiếm hơn 30% tổng số tàu vận tải container đang hoạt động (thông tin từ tổ chức nghiên cứu hàng hải Alphaliner).
Đây là cơ hội cho cảng biển Việt Nam, đặc biệt là các cảng cửa ngõ như: Lạch Huyện và CM-TV đón thêm nhiều chuyến tàu mẹ trong thời gian tới.
Phó TGĐ Cảng CMIT Nguyễn Xuân Kỳ cũng cho biết, trong đội tàu của tuyến dịch vụ đi bờ Tây Hoa Kỳ đến cảng CMIT hàng tuần hiện nay, tàu có tải trọng nhỏ nhất đã đạt đến 160.000 DWT, lớn nhất là hơn 214.000 DWT.
Tuy nhiên, hiện, các tàu lớn đến CM-TV vẫn phải chờ thủy triều để ra vào. Mùa cao điểm, nhiều tàu phải cắt giảm lượng hàng hóa xếp lên tàu để đảm bảo an toàn hành hải trên luồng.
“Độ sâu luồng hàng hải là yếu tố đầu tiên khi các hãng tàu xem xét đưa tàu vào cảng. Do vậy, luồng vào cảng Cái Mép cần sớm được nạo vét đến -15,5m để các tàu kích cỡ lớn đến 214.000 DWT ra vào cảng không phải phụ thuộc vào thủy triều, tăng hiệu quả khai thác cảng”, ông Kỳ đề xuất.
Trong khi đó, lãnh đạo CVHH Hải Phòng cũng đề xuất cơ quan chức năng sớm đầu tư mở rộng đoạn luồng Lạch Huyện để các tàu có trọng tải trên 100.000 DWT có thể hành trình 2 chiều với các tàu thuyền vào, rời các cảng phía trong khu vực Đình Vũ, Sông Cấm, Vật Cách.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, để tiếp tục tạo điều kiện cho cảng biển Việt Nam phát huy hiệu quả, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ mới, Cục Hàng hải đề xuất nghiên cứu, đầu tư hàng loạt các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng trong giai đoạn 2021 – 2025.
Các dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; đầu tư nâng cấp tuyến luồng CM-TV, cải tạo nâng cấp các luồng hàng hải: Hòn Gai, Cái Lân, Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; đầu tư nạo vét duy tu luồng Soài Rạp; cải tạo nâng cấp luồng Cửa Lò cho tàu tải trọng 30.000 tấn đầy tải, tàu 50.000 tấn giảm tải.
“Giai đoạn tới, hàng hải khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả hạ tầng công cộng; tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp”, lãnh đạo Cục Hàng hải nói.