Giá container tăng gấp gần 6 lần so với đầu năm 2020
Theo thông tin từ VASEP, từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả container hàng khô và hàng lạnh) tháng sau tăng gấp đôi so với tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.
Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/container. Đến tháng 12/2020, con số là 5.000 USD/container. Đến tháng 5, cước phí là 9.100 USD/container, tăng gấp 5,7 lần so với giá đầu năm 2020.
Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/container, đến tháng 12/2020 là 4.000 USD/container. Đến tháng 5, mức phí là 8.000 USD/container, tăng 4,5 lần so với đầu năm 2020.
Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 là 2.300 USD/container 20 feet. Tháng 3 năm nay, cước phí lên 6.300 USD/container 20 feet (hãng tàu Happloy, Evergreen) và 7.000 USD/container 20 feet (hãng tàu Zim). Thậm chí có, hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/container 20 feet.
Thiếu container nên doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 60% trong khả năng có thể
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và có các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container và đưa giá cước vận chuyển tàu biển trở lại như trước tháng 11/2020.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hội viên trong thời gian qua, các hãng tàu thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tuỳ chặng, tuỳ hãng). Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container cho nhiều chặng quan trọng. Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng khác cũng cùng chung cảnh ngộ trên, trong đó có xuất khẩu nông sản.
Tại toạ đàm Nông sản Việt chinh phục thị trường quốc tế mới đây, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam – khẳng định Việt Nam đang thiếu container trầm trọng. Container rỗng đang nằm ở những quốc gia sở hữu tàu lớn và hàng hóa của các nước này xuất khẩu cũng thuận lợi hơn.
Số lượng vỏ container đã đặt được, theo ông Tùng, chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu xuất khẩu của công ty ông. Lượng hàng không thể xuất đi được của đơn vị này có thể rơi vào tay các nước khác vì tàu biển không thuận lợi.
Là đơn vị có mặt hàng xuất đi Anh, ông Lê Duy Toàn, CEO Công ty Duy Anh Foods cho biết dù chấp nhận mức giá cao, đơn vị này vẫn không thể đưa hàng rời càng vì thuê tàu khó khăn. Trước kia, mỗi tuần tuyến đi Anh đều có tàu nhưng giờ doanh nghiệp của ông phải chờ chủ tàu báo lịch mới có thể đặt được. Đã vậy, tàu đến trễ hơn với lịch hẹn 15 ngày vì còn quá cảnh ở Singapore.