Gặp khó vì lỗi của công chức hải quan
Ngày 15/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan công bố Báo cáo “Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2020”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, báo cáo năm 2020 dựa trên kết quả phản hồi của 3.657 DN đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất, xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan…Trong bối cảnh dịch COVID-19 và đứt gãy thương mại toàn cầu, báo cáo ghi nhận những đánh giá tích cực của DN đối với ngành hải quan nhưng vẫn còn không ít phàn nàn về những vướng mắc khi làm thủ tục hải quan…
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, DN vẫn còn nhiều lo ngại về sự phối hợp chưa đồng bộ giữa hải quan và cơ quan liên quan.
Bên cạnh đó, các quy định quản lý thuế thiếu nhất quán hay thay đổi, thủ tục kiểm tra sau thông quan kéo dài, nội dung kiểm tra chồng chéo là những vấn đề được DN phản ánh nhiều nhất. Thống kê cho thấy, năm 2018, tỷ lệ DN gặp khó trong thủ tục xác định mã HS giai đoạn trước khi khai hải quan ở mức 66,3% thì kết quả điều tra mới nhất lên đến 76,2%.
“Các nội dung còn gây bất cập lớn nhất cho DN là việc xác định mã HS và xác định trị giá hàng hóa để tính thuế. Hơn 40% số DN được khảo sát phản ánh bị áp mã HS không đồng nhất. Cùng một mặt hàng nhưng công chức hải quan này áp một mã, công chức hải quan khác áp mã khác. Nhiều trường hợp DN bị xử phạt, truy thu không do lỗi DN mà do công chức hải quan”, ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, việc Hải quan áp trị giá tính thuế chưa phù hợp cũng gây khó khăn cho DN. Có đến 50% số DN gặp khó khăn khi khai chỉ số trị giá tính thuế hải quan. Hiện tại công chức hải quan thường tìm kiếm giá bán của mặt hàng trên trang web bán hàng rồi áp giá tính thuế. Trong khi đó, DN mua hàng số lượng lớn, hợp đồng dài hạn nên có giá thấp hơn nhưng không được chấp nhận giá trong hóa đơn.
Phản ánh về điều này, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Hiệp hội DN Logistics bày tỏ mong muốn, ngành Hải quan có cái nhìn cởi mở hơn khi áp dụng trị giá tính thuế xuất nhập khẩu.
“Nhiều tình huống, hải quan áp trị giá tính thuế oan cho DN, khiến lợi nhuận gần như biến mất. Nhiều tình huống có phần oan ức cho DN. DN muốn kiện hải quan về xác định trị giá tính thuế nhưng không dám làm. Quản lý chuyên ngành lấy đi nguồn lực của xã hội tới hàng chục triệu giờ lao động nhưng chỉ phát hiện vài chục trường hợp vi phạm trên toàn quốc hằng năm. Nguồn lực và kết quả như vậy là không tương xứng”, ông Nghĩa phản ánh.
Vẫn cải cách “nửa vời”?
Theo ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, vẫn còn tình trạng áp dụng quy trình nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và nộp hồ sơ trực tiếp chưa thống nhất.
Ông Trung cho biết, ngay đầu tháng 7, ông đã gửi văn bản tới nhiều địa phương phản ánh tình trạng, xin giấy phép trực tuyến không được, do cơ quan chức năng yêu cầu nộp bản giấy qua đường bưu điện. Khi DN đến gặp trực tiếp, cơ quan chức năng lại không cho gặp với lý do: Đang dịch bệnh. Ra bưu điện làm thủ tục thì bưu điện quá tải không nhận dẫn đến việc hàng đã đến ngày xuất nhập khẩu mà DN vẫn không xin được giấy phép.
“Tôi đề nghị, cơ quan chức năng cần triệt để áp dụng thủ tục trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia nâng lên cấp độ 4, nhất là trong bối cảnh dịch chưa khống chế được”, ông Trung kiến nghị.
Đánh giá về sự chuyển biến của thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, nhiều đơn vị chuyển từ trước thông quan sang sau thông quan, nhưng chưa cắt giảm được nhiều thủ tục.
“Các cải cách chưa đến tận cùng. Thủ tục kết nối cổng thông tin quốc gia nhưng đa phần DN vừa thực hiện online vừa xử lý thủ tục giấy hoặc giấy là chủ yếu. Như lĩnh vực kiểm dịch phải có bản gốc. DN nộp hồ sơ trên hệ thống cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng vẫn phải nộp cho cơ quan thú y bản giấy”, bà Thảo phản ánh.