Theo Reuters, Phòng Vận tải biển Quốc tế (IIS) cho biết biến chủng Delta đang tung hoành tại nhiều khu vực ở châu Á, khiến chính phủ hàng loạt quốc gia không cho phép các thủy thủ tàu hàng lên bờ. Hậu quả là khoảng 100.000 thủy thủ đang mắc kẹt ngoài biển và các tàu hàng không thể thay thế những thủy thủ kiệt sức.
“Đây là thời điểm cực kỳ nguy hiểm đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu”, Tổng thư ký IIS Guy Platten mô tả.
Vận tải biển chiếm 90% tổng thương mại toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp và chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện tại có thể làm gián đoạn nguồn cung mọi loại hàng hóa, từ dầu thô, quặng sắt cho đến thực phẩm và đồ điện tử.
Đại diện hãng container Đức Hapag Lloyd đánh giá tình hình hiện tại là “đầy thách thức”. “Các tàu chở hàng đang quá tải, số lượng container rỗng rất ít và tình hình hoạt động ở nhiều cảng biển không được cải thiện. Chúng tôi dự báo tình trạng này sẽ kéo dài đến quý IV”, Hapag Lloyd cho biết.
Trong khi đó, lũ lụt lịch sử ở Trung Quốc và Đức khiến dòng chảy thương mại đứt quãng nghiêm trọng hơn, đe dọa các hoạt động kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD. Lũ lụt tại Trung Quốc đang cản trở vận tải than từ Nội Mông và Thiểm Tây đến các nhà máy điện.
Tại Đức, vận tải hàng hóa đường bộ chậm lại đáng kể. Nền tảng theo dõi chuỗi cung ứng FourKites cho biết tTrong tuần tính từ ngày 11/7, tổng số lượng hàng hóa giao chậm tăng 15% so với một tuần trước đó.
Ông Nick Klein, Phó chủ tịch OEC Group (công ty logistics Đài Loan), cho biết nhiều công ty đang vật lộn với việc đưa hàng hóa ra khỏi các cảng ở châu Á và Mỹ. “Tình trạng bế tắc sẽ còn kéo dài tới tháng 3 năm sau”, ông Klein dự báo.
Các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều công ty sản xuất xe hơi buộc phải ngừng sản xuất. Toyota Motor Corp thông báo phải dừng hoạt động ở một số nhà máy Thái Lan và Nhật Bản vì thiếu phụ tùng. Stellantis tạm ngừng hoạt động tại một nhà máy ở Anh vì quá nhiều công nhân bị cách ly y tế.
Trước đó, ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu đã lao đao vì thiếu chip. Hồi đầu năm, các công ty dự báo nguồn cung chip sẽ dồi dào trở lại vào nửa sau năm nay. Tuy nhiên, giờ họ cho rằng tình hình sẽ tiếp tục xấu cho tới năm 2022.
Lãnh đạo một công ty Hàn Quốc cung cấp phụ tùng cho Ford, Chrysler và Rivian tiết lộ chi phí mua nguyên liệu tăng vọt vì giá dịch vụ vận tải quá cao. “Chúng tôi tốn thêm 10% chi phí để sản xuất”, vị lãnh đạo này than thở.
Electrolux – nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất châu Âu – cũng lên tiếng cảnh báo về tình trạng chuỗi cung ứng đứt quãng. Domino’s Pizza thông báo hãng không được giao đủ thiết bị để xây dựng các cửa hàng mới.
Vấn đề chuỗi cung ứng đang tác động nghiêm trọng đến Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế chiếm hơn 40% sản lượng toàn cầu. Giới chuyên gia cảnh báo nếu tình trạng này kéo dài, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại.
Các số liệu được chính phủ Mỹ công bố ngày 23/7 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại vào nửa cuối năm nay sau đợt tăng trưởng dữ dội hồi quý II.
“Chuỗi cung ứng đứt quãng khiến hàng loạt công ty trong ngành sản xuất và dịch vụ gặp khó khăn, đồng thời đẩy giá hàng hóa lên cao”, nhà kinh tế Chris Williamson của IHS Markit cho biết.