Theo nhiều tài xế đối tác của AhaMove, ứng dụng này đã gửi thông báo tới các shipper TP.HCM với nội dung theo công văn 2490/UBND-VX. Theo đó, đối tác vẫn hoạt động bình thường trong khung giờ từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
“Để được phép hoạt động trong khung giờ trên, đối tác luôn đảm bảo hàng hóa thuộc nhóm sản phẩm cho phép (hàng hóa thiết yếu) và chuẩn bị đầy đủ giấy tờ khi cơ quan chức năng kiểm tra”, thông báo của AhaMove nêu rõ.
Theo khảo sát của Zing, người dùng vẫn có thể đặt được đơn giao hàng trên ứng dụng AhaMove sau 18h ngày 26/7. Không hề có thông báo nào tới người dùng về việc sẽ dừng nhận đơn trong khung giờ này.
Tất cả các ứng dụng có dịch vụ giao hàng tương tự như Grab, Gojek … đều đã dừng cung cấp dịch vụ giao nhận hàng, kể cả hàng thiết yếu trong khung giờ từ 18h đến 6h sáng hôm sau.
Nguồn tin của Zing tại AhaMove chia sẻ doanh nghiệp vẫn đang đợi công văn của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM. Vị này cho rằng chỉ đạo gấp của thành phố có thể đã khiến đội ngũ vận hành của doanh nghiệp bị bối rối. AhaMove đang làm rõ thông tin và sẽ có phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Theo công văn 2490/UBND-VX của UBND TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu mọi người dân trên địa bàn hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18h đến 6h hôm sau.
Các trường hợp sau được hoạt động gồm: cấp cứu, lực lượng công tác phòng, chống dịch; cán bộ, phóng viên, biên tập viên; công nhân vệ sinh môi trường đô thị, xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật; các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phương tiện đưa đón công nhân của doanh nghiệp được hoạt động, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của thành phố. Thời gian thực hiện từ 26/7 đến hết 1/8.
Theo đại diện nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ chuyển hàng, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong văn bản của TP.HCM không bao gồm chuyển hàng bằng ứng dụng gọi xe, do đó hàng loạt các ứng dụng đều đã dừng hoạt động trong khung giờ này.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu về đặc điểm nhận diện đội ngũ shipper thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành do doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang nhận.
Thành phố cũng chỉ đạo doanh nghiệp cần chủ động triển khai ngay các biện pháp tăng cường nhận diện. Doanh nghiệp sẽ phải chủ động làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của doanh nghiệp cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR code.
Khi quét mã QR này, nhiều thông tin của shipper sẽ được hiển thị như phương tiện, địa chỉ doanh nghiệp, địa chỉ cư trú, nơi giao hàng, người đặt hàng, lộ trình di chuyển, chi tiết hàng hóa… Shipper cũng cần đeo băng tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo 20 cm, in chữ “Shipper” màu trắng.
Về địa bàn hoạt động của các shipper, UBND TP.HCM yêu cầu các doanh nghiệp triển khai hoạt động cho dịch vụ shipper cần tổ chức hoạt động theo khu vực để thuận tiện cho công tác quản lý cũng như ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên một quận, huyện hoặc riêng tại TP Thủ Đức.
Riêng với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (như nhân viên giao hàng của các siêu thị), các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thực hiện các yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.