Hỏa tốc xin Thủ tướng ban hành danh mục ‘hàng hóa cấm lưu thông’

Thay vì quy định cụ thể những mặt hàng thiết yếu, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép lưu thông các loại hàng hóa không thuộc danh mục cấm, nhằm khơi thông cho doanh nghiệp.

0
618
Nhiều địa phương đang thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định về thực phẩm thiết yếu… Ảnh: Quỳnh Danh.

Chiều 27/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng đề xuất một số phương án vận chuyển, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh Chỉ thị 16.

Theo đó, dù Chính phủ đã quy định danh mục các mặt hàng thiết yếu, trong quá trình tổ chức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng, mỗi địa phương có cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông.

Nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông. Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp “thẻ xanh” để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

Một số hàng hóa cấm vận chuyển đã được quy định tại Luật Thương mại và Nghị định 59/2006 của Chính phủ. Có thể kể đến như ma túy, súng đạn, khoáng sản độc hại, phế liệu nguy hiểm, vũ khí, hóa chất độc hại…

Cũng trong ngày 27/7, Bộ Công Thương có văn bản khẩn gửi cở công thương các tỉnh, thành phố về các danh mục mặt hàng, dịch vụ thiết yếu.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay một số nội dụng của chỉ thị, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.

Do đó, Bộ đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND các tỉnh cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với một số nhóm hàng thiết yếu gồm: Nhóm thực phẩm, nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhóm nhiên liệu năng lượng và các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Cụ thể, nhóm thực phẩm bao gồm các sản phẩm, thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ như thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế: Nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…

Các sản phẩm, nhóm sản phẩm, thực phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; Thịt và các sản phẩm từ thịt như: Thịt tươi, ướp đá, đông lạnh, phụ phẩm ăn được của gia súc, gia cầm, đồ hộp, hun khói hoặc sản phẩm phối chế có chứa thịt như giò, chả, pate…; Thủy sản và sản phẩm thủy sản gồm: Thủy sản tươi sống, sơ chế, sản phẩm chế biến từ thủy sản và phụ phẩm thủy sản làm thực phẩm…

Cùng với đó là các loại rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; Mật ong và sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị… và các nông sản thực phẩm khác như hạt hướng dương, hạt bí, mộc nhĩ, tổ yến…

Một số sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương như: Nước giải khát, sữa chế biến, các loại sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, kem sữa, bơ, pho mát và các sản phẩm khác từ sữa chế biến… Cùng với đó là các loại dầu, bột và tinh bột, bánh, mứt kẹo… Dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng thuộc nhóm hàng thiết yếu.

Bên cạnh đó, nhóm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như sắt, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi. Nhóm nhiên liệu, năng lượng bao gồm xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than…

Trước đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu…

(Theo Zing)