Trong một báo cáo mới vừa được hãng tư vấn hàng hải hàng đầu thế giới Drewry công bố, thì tác giả báo cáo cho rằng hệ số khai thác cảng container trên toàn cầu – vốn ở mức khá cao trong năm 2021 – sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái căng thẳng cho đến tận năm 2025.
Báo cáo thường niên về Đánh giá và Dự báo các nhà khai thác cảng container toàn cầu (Global Container Terminal Operators Annual Review and Forecast report) mới nhất của Drewry dự báo công suất cảng container toàn cầu sẽ tăng trung bình 2,5% mỗi năm để đạt mức 1,3 tỷ TEU vào năm 2025. Trong cùng giai đoạn này, nhu cầu xếp dỡ container tại các cảng container toàn cầu sẽ tăng trung bình 5% mỗi năm. Như vậy, Drewry dự báo hệ số khai thác trung bình của hệ thống cảng container toàn cầu sẽ tăng từ mức 67% hiện nay lên hơn 75% vào năm 2025.
Dựa trên con số này, báo cáo cũng đưa ra lời cảnh báo rằng, “Ở cấp độ một cụm cảng hoặc bến cảng riêng biệt, thì hệ số khai thác cảng ở mức 75% là không quá nghiêm trọng để trở thành mối quan tâm lớn của các bên liên quan, nhưng ở cấp độ toàn cầu, dư địa công suất khai thác cảng giảm xuống trong một thị trường đang chứng kiến nhiều sự tắc nghẽn do mất cân bằng chuỗi cung ứng lại gây ra những quan ngại nhất định”.
Bà Eleanor Hadland, tác giả của báo cáo và là nhà phân tích cấp cao của Drewry về cảng container, cho biết: “Nhu cầu dịch vụ cảng phục hồi mạnh mẽ cùng với sự hỗ trợ từ mức độ thanh khoản cao trên thị trường tài chính đã giúp cho các nhà khai thác cảng mạnh dạn triển khai kế hoạch đầu tư của họ, các khoản đầu tư này mang lại triển vọng về năng lực khai thác cảng mạnh mẽ hơn sau đại dịch”.
Phần lớn lượng công suất bổ sung sẽ được tập trung vào các bến cảng hiện hữu, và các dự án cảng hoàn toàn mới vẫn chưa nằm trong nhóm ưu tiên đối với hầu hết các nhà khai thác cảng toàn cầu. Các dự án cảng tự động hóa mới thì còn kém ưu tiên hơn nữa, nhưng việc tái trang bị để tăng cường tự động hóa các bến cảng hiện hữu thì lại đang là một trào lưu.
Báo cáo cũng xếp hạng các nhà khai thác cảng hàng đầu thế giới với PSA International của Singapore vẫn đứng đầu bảng.
Trong khi đó, nhà khai thác cảng Trung Quốc China Merchants Ports (CMP) đã leo lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng của Drewry trong năm 2020, sau khi tăng 13,4% về sản lượng điều chỉnh theo vốn chủ sở hữu. Tăng trưởng sản lượng của CMP xuất phát từ phần vốn góp của tập đoàn trong các nhà khai thác khác – trong đó đáng lưu ý là Terminal Link, liên doanh giữa hãng tàu CMA-CGM với China Merchants, đã mua lại tám bến cảng vào năm ngoái từ CMA Terminals (thương vụ bao gồm phần vốn góp của CMA Terminals tại cảng VICT ở TP. Hồ Chí Minh), đây là động thái chính dẫn đến mức tăng sản lượng của CMP.
Mức gia tăng sản lượng của CMP trong năm 2020 cũng đồng thời ghi nhận sự đóng góp từ Tập đoàn Cảng Liêu Ninh (Liaoning) và Công ty Cảng Ningbo-Zhoushan.
Nền Logistix | Trung Tuân / Theo Splash247