Siêu thị và người dân TP.HCM kêu khó giao, nhận thực phẩm online

Ba ngày sau khi hoạt động giao hàng được siết chặt, nhiều siêu thị và người dân tại TP.HCM cho biết việc giao, nhận hàng hóa thiết yếu gặp khó khăn lớn.

0
474
Shipper chờ giao hàng vào bệnh viện dã chiến.

“Mình ở TP Thủ Đức muốn giao cơm từ thiện cho các bé ung thư đến bệnh viện Ung Bướu (quận Bình Thạnh) sao tìm tài xế Grab không được”, chị Quỳnh Như lo lắng viết trên nhóm tài xế giao hàng.

Tương tự, sáng 28/7, chị Thuận (TP Thủ Đức) mất gần 1 tiếng đồng hồ đặt qua nhiều ứng dụng vẫn không có tài xế nhận giao hàng từ một cửa hàng thực phẩm ở quận 1.

“Từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, mọi thức ăn trong nhà đều nhờ đặt hàng online. Sáng dậy đặt hàng qua 2-3 trang web đều ngưng nhận đơn, nơi không giao khu vực này, nơi lại không có shipper nhận”, chị lo lắng.

Thực tế, yêu cầu tài xế chỉ được giao hàng trong nội quận, huyện, TP Thủ Đức và quy định về hàng hóa thiết yếu vẫn chưa rõ ràng đang gây nhiều khó khăn cho cả tài xế, siêu thị, cửa hàng thực phẩm lẫn khách hàng.

Mất 2 tiếng chưa đặt được ship giao hàng

Ngày 27/7, chị Liên (quận Phú Nhuận) vất vả 2 tiếng đặt đi đặt lại nhưng vẫn không thể tìm người giao lương thực, thực phẩm cho người thân ở bệnh viện dã chiến (huyện Bình Chánh).

“Tôi cứ tưởng thực phẩm thì họ sẽ nhận giao, không ngờ lại có thêm quy định shipper chỉ được giao hàng trong một quận, huyện. Giờ không biết gửi đồ ăn cho người nhà bằng cách nào nữa”, chị nói.

Cũng tỏ ra lo lắng khi nhiều shipper ngừng hoạt động, chị Mai (quận Bình Thạnh) cho biết nhà chị không ra đường hơn một tháng nay, mọi thực phẩm trong nhà đều nhờ đặt online và tiếp tế của người thân. “Nay chắc phải tự ra đường mua hàng mất, ai cũng như tôi chắc chắn siêu thị sẽ lại quá tải”, chị nói.

Theo chị, một người giao hàng chỉ cần phục vụ 100 hộ dân, thì tỷ lệ người ra đường đã giảm 100 lần. Do đó, bộ phận này rất quan trọng trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.

Trên các ứng dụng giao hàng như Grab, AhaMove, Now… nhiều tài xế cũng cho biết tắt app nghỉ chạy vì sợ bị phạt. “Hôm trước có một đơn hàng cần giao quạt đến bệnh viện dã chiến Thu Dung (quận 12) nhưng tôi không biết quạt có nằm trong danh mục thiết yếu không nên từ chối nhận đơn hàng”, anh H. Tâm (quận 12) chia sẻ.

Trao đổi với Zing, đại diện AhaMove cho biết hiện số yêu cầu đặt hàng tăng cao hơn 10 lần và số lượng shipper cũng bị giới hạn hoạt động, không thể hoạt động do đang ở các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa. “Rất mong khách hàng thông cảm khi gặp khó khăn trong việc đặt đơn trong giai đoạn này”, đại diện này nói.

Đơn vị này cũng đã gửi danh sách các shipper được hoạt động tới cơ quan chức năng, đồng thời giảm số lượng đối tác hoạt động, bao gồm 15.000 shipper ở TP.HCM. AhaMove cũng giới hạn việc đặt đơn chỉ trong địa bàn một quận như chỉ thị mới nhất của TP.HCM.

Siêu thị khó giao thực phẩm

Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết cái khó hiện nay chủ yếu là khâu phân phối hàng hóa từ siêu thị đến tay người dân. “Do quy định mới về điều kiện hoạt động và danh mục hàng hóa được vận chuyển rất hạn chế khiến hàng loạt ‘shipper công nghệ’ tắt ứng dụng, không nhận đơn dẫn đến việc giao hàng cho khách đang gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện này cho hay.

Ông Bùi Trung Chính – Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm khu vực miền Nam của Aeon Việt Nam – cũng cho biết quá trình lưu thông hàng hóa thiết yếu trong và ngoài khu vực thành phố của siêu thị đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Cụ thể, việc kiểm tra những giấy tờ mà các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào thành phố cần xuất trình, chưa được triển khai đồng bộ tại các chốt kiểm soát, dẫn đến một số nhà cung cấp giao hàng trễ hoặc không thể giao hàng đến siêu thị”, đại diện siêu thị này nói.

Tương tự, nhiều siêu thị cũng cho biết do việc đi lại giữa các phường, quận bị hạn chế; các xã, phường phát phiếu đi mua thực phẩm cho người dân khiến giao hàng khó khăn.

Siêu thị Emart thông báo chỉ giao hàng thực phẩm thiết yếu trong khu vực quận Gò Vấp, hệ thống MM Mega Market cũng cho biết siêu thị rút ngắn thời gian tiếp nhận đơn hàng online.

Ngoài ra, một số siêu thị phản ánh cổng thông tin điện tử đăng ký luồng xanh thường xuyên gặp phải tình trạng truy cập quá tải dẫn đến việc còn rất nhiều nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu chưa thể đăng ký để được cấp phép lưu thông; từ đó ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân thành phố.

“Rất mong các sở, ban, ngành và UBND TP quan tâm và xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hóa, thực phẩm được lưu thông. Đồng thời, xem xét ban hành cơ chế cho phép đội ngũ nhân viên của hệ thống phân phối bán lẻ di chuyển thuận lợi qua các khu vực chốt kiểm soát, đảm bảo công việc được duy trì để phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Bùi Trung Chính đề xuất.

Đại diện Saigon Co.op cũng đề xuất nếu được tạo điều kiện giao hàng liên quận hoặc các quận cận kề và danh mục hàng hóa giao nhận mở rộng, hàng hóa sẽ đến tay người dân nhanh hơn, giải tỏa các đơn hàng tồn nhiều hơn.

Saigon Co.op cũng đề xuất thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua chung để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các khu vực dân cư, phong tỏa, cách ly. “Saigon Co.op sẽ gửi đến các khu vực có nhu cầu danh mục hàng hóa thiết yếu bao gồm khoảng hơn 100 mặt hàng”, đại diện chuỗi siêu thị nói.

“Các cơ quan, tổ chức của từng khu vực sẽ cử đầu mối ghi nhận nhu cầu của người dân tổng hợp thành một đơn hàng chung, siêu thị sẽ tổ chức giao hàng cho đầu mối hoặc có thể nhận tại siêu thị, sau đó sẽ phân chia lại cho các cá nhân, hộ gia đình trong các khu cách ly, phong tỏa y tế”, đại diện Saigon Co.op cho hay.

(Theo Zing)