Hàng hải kêu gọi không tăng giá dịch vụ cảng biển trong mùa dịch

Cục Hàng hải VN đề nghị các doanh nghiệp cảng không tăng giá hoặc thu dịch vụ phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp...

0
551
Việc kêu gọi các doanh nghiệp cảng biển không tăng giá dịch vụ nhằm hỗ trợ các chủ hàng, nhà máy sản xuất giảm áp lực chi phí, vững vàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 - Ảnh minh họa

Cục Hàng hải VN vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cảng biển ổn định thị trường giá dịch vụ tại cảng biển trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng sản xuất để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch”, Cục Hàng hải VN thông tin.

Cũng theo Cục Hàng hải VN, điều này dẫn đến việc lưu thông hàng hóa bị gián đoạn, tồn đọng tại cảng hoặc thời gian giải phóng hàng chậm gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cảng. Đồng thời, các cảng thực hiện phương án “3 tại chỗ” kết hợp “1 cung đường, 2 điểm đến”, tổ chức xét nghiệm cho người lao động làm phát sinh thêm chi phí hoạt động.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Cục Hàng hải VN kêu gọi doanh nghiệp cảng biển không tăng giá dịch vụ hoặc không thu các dịch vụ phát sinh trong thời gian thực hiện biện pháp phòng dịch, bảo đảm bình ổn giá thị trường, hỗ trợ cho các nhà máy, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

“Trong trường hợp tăng giá dịch vụ, doanh nghiệp cảng phải thực hiện kê khai, niêm yết giá theo đúng quy định của pháp luật hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển”, văn bản của Cục Hàng hải nêu rõ.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, hiện các doanh nghiệp cảng vẫn áp dụng mức giá dịch vụ (bốc dỡ, lưu kho, bãi,…) như thời điểm trước dịch. Cục Hàng hải vẫn chưa nhận được thông báo của doanh nghiệp nào về việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ.

Tìm hiểu của PV, để duy trì hoạt động hoạt động khai thác cảng, hầu hết doanh nghiệp cảng biển nằm tại các địa phương đang giãn cách xã hội đều tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Việc đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất tại khu vực cảng phục vụ công nhân vừa sản xuất, vừa ăn ở khiến các cảng phát sinh nhiều chi phí.

Đơn cử như cảng Quốc tế Cái Mép tại khu vực Cái Mép – Thị Vải đang phải tiêu tốn hơn 4 tỷ đồng/tháng để hơn 300 nhân sự thực hiện “3 tại chỗ”, phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua.

(Theo Giao thông)