Tranh chấp về thời hạn bảo hiểm

"Thời hạn bảo hiểm" là thuật ngữ mà nhiều người cho là đơn giản, dễ hiểu, khó có thể xảy ra tranh chấp. Thế mà, gần đây, bên mua bảo hiểm đã kiện doanh nghiệp bảo hiểm, Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết về thời hạn bảo hiểm còn hay hết trong một vụ tranh chấp có trị giá tổn thất hơn 4,5 tỷ đồng. Xin trân trọng giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

0
1314
(Chứng thư bảo hiểm tham khảo)

Năm 2010, Ban quản lý dự án thủy lợi một tỉnh ở miền Nam (“Nguyên đơn”) ký với công ty bảo hiểm (“Bị đơn”) hợp đồng bảo hiểm xây dựng (“Hợp đồng bảo hiểm”) cho gói thầu thi công xây dựng đoạn kè dài 1.212m thuộc dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở cửa sông, ven biển. Trong quá trình thi công, công trình bị sạt lở dẫn đến tổn thất như sau: lần 01 (ngày 31 tháng 07 năm 2011), giá trị thiệt hại là 2.763.822.000 đồng; lần 02 (ngày 12 tháng 11 năm 2015), giá trị thiệt hại là 4.654.174.000 đồng; tổng cộng là 7.417.996.000 đồng. Sau khi các sự cố công trình xây dựng xảy ra, Nguyên đơn đã làm đủ các thủ tục cần thiết theo quy định của Hợp đồng bảo hiểm đồng thời đã nhiều lần đề nghị Bị đơn bồi thường thiệt hại nhưng Bị từ chối trách nhiệm bảo hiểm đối với tổn thất lần 02 vì cho rằng chỉ có tổn thất lần 01 là còn thời hạn bảo hiểm trong khi Nguyên đơn lập luận rằng tổn thất lần 02 cũng nằm trong thời hạn bảo hiểm. Do đó, Nguyên đơn đã khởi kiện, yêu cầu Hội đồng Trọng tài buộc Bị đơn nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại công trình xây dựng theo Hợp đồng bảo hiểm mà hai Bên đã ký kết và số tiền bồi thường thiệt hại cụ thể sẽ do các Bên tính toán và xác định sau khi có Phán quyết trọng tài.

Quan điểm của các bên
Về vấn đề gia hạn Hợp đồng bảo hiểm, Nguyên đơn cho rằng Hợp đồng bảo hiểm (Điều 4) quy định thời hạn bảo hiểm“kể từ ngày 01/08/2010 đến ngày 30/11/2012 cộng thêm 12 tháng bảo hiểm cho thời gian bảo hành công trình theo nội dung của Điều khoản bổ sung MR004 doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gia hạn thời hạn bảo hiểm không thu thêm phí nếu như thời gian thi công công trình kéo dài được cấp có thẩm quyền phê duyệt” là đã được mặc nhiên gia hạn khi công trình chưa hoàn thành với các văn bản bổ sung ý nghĩa cho nhau, như Biên bản thương thảo, hoàn thiện hợp đồng ngày 10 tháng 08 năm 2010 (Điều 3) ghi: “Thời hạn bảo hiểm: Từ ngày khởi công công trình đến khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng công thêm 12 tháng bảo hành công trình”, Hợp đồng bảo hiểm (Điều 4) nêu trên, Giấy chứng nhận bảo hiểm xây dựng (Phần II – giống nội dung nêu tại Điều 4 Hợp đồng bảo hiểm). Quy định như vậy cho thấy Hợp đồng bảo hiểm được gia hạn mà không cần phải có yêu cầu gia hạn bằng văn bản gửi đến Bị đơn. Do đó, Bị đơn phải bồi thường cho tổn thất xảy ra ngày 12/11/2015 cũng như tổn thất xảy ra ngày 31/07/2011. Nguyên đơn cho rằng vụ tổn thất ngày 12/11/2015 nằm trong thời hạn bảo hiểm do khi đó công trình đang thi công và chưa hoàn thành. Mặt khác, công trình đã được cấp thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian thực hiện đến ngày 30/06/2017 theo Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của Ủy ban nhân dân tình). Theo giải trình của Nguyên đơn thì các Bên đã ký gia hạn hợp đồng bảo hiểm năm 2019 nhưng Nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ cho thấy họ đã làm thủ tục gia hạn với Bị đơn và được Bị đơn chấp nhận thời hạn bảo hiểm mới. Ngoài ra, Nguyên đơn còn cho rằng các Bên đã không có cách hiểu thống nhất về việc gia hạn hợp đồng và Bị đơn không phối hợp để gia hạn Hợp đồng bảo hiểm.

Bị đơn đồng ý vụ tổn thất xảy ra ngày 31/07/2011 nằm trong thời hạn bảo hiểm nhưng vụ tổn thất ngày 12/11/2015 thì nằm ngoài thời hạn bảo hiểm. Bị đơn khẳng định rằng đến thời điểm hết thời hạn bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm, họ không nhận được văn bản đề nghị gia hạn cũng như chưa có văn bản chấp nhận gia hạn thời hạn cho hợp đồng này.

(Nhân viên ONEX Logistics kiểm tra tổng quát bên ngoài hàng hoá trước khi mở kiện để kiểm hoá)

Phán quyết Trọng tài và bài học kinh nghiệm
Hội đồng Trọng tài nhận thấy Hợp đồng bảo hiểm sẽ được gia hạn miễn thu phí bảo hiểm nhưng với 02 điều kiện: (i) được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thời gian thi công kéo dài và (ii) các Bên phải ký văn bản điều chỉnh thời hạn Hợp đồng bảo hiểm. Điều kiện đầu tiên đã được đáp ứng do Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 chấp thuận cho Nguyên đơn kéo dài thời gian xây lắp đến ngày 30/06/2017. Tuy vậy, không có chứng cứ cho thấy hai Bên đã ký văn bản gia hạn Hợp đồng bảo hiểm. Vì vậy, Hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2012 (vì chưa có hạng mục công trình được bàn giao đưa vào sử dụng để được bảo hiểm bảo hành 12 tháng) cho đến khi các Bên ký kết gia hạn hợp đồng. Cho dù việc gia hạn Hợp đồng bảo hiểm không nói rõ bắt đầu từ khi nào thì việc gia hạn này vẫn làm cho hợp đồng vô hiệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2010: “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây: […] c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra”.

Do đó, Phán quyết Trọng tài khẳng định tổn thất xảy ra ngày 12/11/2015 với thiệt hại ước tính hơn 4,6 tỷ đồng không thuộc phạm vi bảo hiểm vì tại thời điểm gia hạn hợp đồng bảo hiểm (nếu có) sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Hội đồng Trọng tài chấp nhận yêu cầu của Bị đơn, không chấp nhận yêu cầu xác định trách nhiệm bảo hiểm của Nguyên đơn đối với vụ tổn thất xảy ra ngày 12/11/2015. Lẽ ra, Nguyên đơn và Bị đơn cần liên hệ với nhau khi thời hạn bảo hiểm sắp hết để làm thủ tục gia hạn hợp đồng bảo hiểm hoặc ký hợp đồng bảo hiểm mới, tránh xảy ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến tranh chấp giữa các Bên như đã trình bày ở trên./.

Ngô Khắc Lễ (Ban Pháp luật VLA)