Nhu cầu tiêm chủng vẫn lớn
Ông Lê Việt Trung, Phó TGĐ phụ trách Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (Công ty Biển Đông) cho biết đang có 144 thuyền viên đang làm việc trên các tàu dầu, tàu container và khoảng 80 thuyền viên dự trữ trên bờ.
Theo ông Trung, nhằm đảm bảo hiệu quả các tuyến hoạt động, từ tháng 7/2021, công ty Biển Đông đã gửi văn bản cơ quan chức năng đề xuất tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn bộ thuyền viên.
Tuy vậy, đến nay, mới chỉ có 46 thuyền viên trên hai tàu dầu được tiêm chủng. Hơn 100 người con lại vẫn đang chờ bố trí nguồn vắc xin và sắp xếp lịch tàu ghé qua Việt Nam để tiêm.
Tại Công ty CP Vận tải biển Vinaship, theo thống kê, trong tổng số 150 thuyền viên phục vụ 7 tàu vận hành hiện tại, hiện, số người được tiêm vắc xin mới đạt khoảng 30 – 40%.
Ông Trần Hữu Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Vận tải và Đầu tư Thương mại An Thái (Ataco) cho biết, hiện Ataco mới chỉ có khoảng 70% thuyền viên hoạt động trên tàu tuyến xa đi Mỹ (tổng số khoảng 100 người) được tiêm vắc xin phòng dịch. Khoảng 200 thuyền viên “đánh thuê” cho tàu chạy tuyến Bắc Á và 200 thuyền viên đi tàu chặng ngắn Đông Nam Á chưa tiếp cận được vắc xin.
“Mới đây nhất, với sự hỗ trợ của cảng vụ hàng hải khu vực, 25 thuyền viên của Ataco đã được bố trí tiêm vắc xin tại Hải Phòng trước khi xuống nhập tàu. Doanh nghiệp vận tải biển/cung ứng thuyền viên nói chung và Ataco nói riêng kỳ vọng thời gian tới, doanh nghiệp sắp xếp được lịch tàu ghé cảng Việt Nam, cơ quan chức năng khu vực sẽ cơ chế hỗ trợ nguồn vắc xin, giúp thuyền viên bảo đảm sức khỏe duy trì chuỗi cung ứng và không bị hạn chế cơ hội việc làm”, ông Vinh chia sẻ.
Thêm hơn 10.000 liều vắc xin tại hai khu vực cảng biển lớn
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc CVHH Hải Phòng cho biết, tính đến ngày 17/10/2021, đơn vị đã phối hợp với cơ quan y tế triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho hơn 11.700 người (đạt khoảng 95% tổng lực lượng lao động hàng hải tại khu vực). Trong đó, có 817 thuyền viên được tiêm tại tàu. Số lượng thuyền viên tiêm mũi 2 đạt khoảng 5.900 người, chiếm trên 50% tổng số lực lượng lao động hàng hải đã được tiêm.
Trong đó, đợt tiêm mới đây nhất (từ ngày 4/10), CVHH Hải Phòng đã phối hợp với cơ quan y tế địa phương tiêm vắc xin cho hơn 4.600 hoa tiêu, công nhân cảng, nhân viên đại lý và tiêm tại tàu cho gần 600 thuyền viên.
“Mỗi ngày tại vùng nước cảng biển Hải Phòng hiện có khoảng 25 – 30 tàu biển và 20 – 30 phương tiện thủy nội địa hoạt động với số lượng thuyền viên khá lớn, khoảng 300 – 400 người.
Nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa đi/đến cảng biển Hải Phòng không bị đứt gãy bởi dịch Covid-19, cảng vụ đang tiếp tục đề xuất tiêm vắc xin cho thêm khoảng 6.600 lao động hàng hải và khoảng 1.500 thuyền viên trên các tàu hành trình đến khu vực cảng biển Hải Phòng”, ông Vũ thông tin.
Tại TP.HCM, một trong hai khu vực cảng biển lớn của cả nước, theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc CVHH TP.HCM, tính đến nay, cảng vụ hàng hải đã kiến nghị địa phương bố trí tiêm vắc xin cho gần 13.200 thuyền viên, lao động trong lĩnh vực hàng hải.
Riêng đợt tiêm gần đây nhất (bắt đầu từ ngày 4/10), cảng vụ đã đề xuất Sở Y tế và được phân bổ gần 3.600 mũi vắc xin (mũi 1 là 446, mũi 2 là 3.142) cho thuyền viên, lực lượng lao động hàng hải tại khu vực.
“Xác định tầm quan trọng của cảng biển khu vực với vai trò đảm nhận hơn 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua, mật độ phương tiện lưu thông lớn (trung bình mỗi ngày có khoảng 57 lượt tàu biển, 231 lượt phương tiện thủy nội địa vào rời cảng), CVHH TP.HCM đã tiếp tục báo cáo Cục Hàng hải VN đề xuất Cục Y tế (Bộ GTVT) hỗ trợ cho lao động hàng hải khu vực thêm hơn 4.000 liều vắc xin (hơn 3.000 liều vắc xin mũi 1 và hơn 1.000 liều mũi 2).
Đề xuất này hướng tới mục tiêu duy trì hiệu quả hoạt động khai thác cảng biển, nhất là trong giai đoạn thành phố đang từng bước phục hồi kinh tế”, ông Nam nói.