So với cùng kỳ 2020, có thêm 2 nhóm hàng đạt được kim ngạch tỷ USD tính đến thời điểm 15/11 là sắn và sản phẩm từ sắn đạt 1,004 tỷ USD (cùng kỳ đạt 815,5 triệu USD); sản phẩm từ cao su đạt 1,003 tỷ USD (cùng kỳ đạt 757 triệu USD).
Tuy nhiên, có một nhóm hàng bị mất mốc “tỷ đô” là đá quý, kim loại quý và sản phẩm khi chỉ đạt hơn 695 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt gần 2,6 tỷ USD.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, có 7 nhóm đạt từ 10 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; sắt thép.
Trong đó, sắt thép lần đầu đạt được dấu mốc này với kim ngạch 10,27 tỷ USD, tăng tới 136,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét theo yếu tố ngành hàng, các nhóm hàng điện tử hay máy móc thiết bị đang chiếm ưu thế vượt trội.
Trong đó, 2 cái tên dẫn đầu là điện thoại và máy vi tính đều đạt kim ngạch trên 40 tỷ USD. Cụ thể, điện thoại đạt 48,93 tỷ USD; máy vi tính đạt 42,9 tỷ USD vượt hơn 10 tỷ USD so với nhóm đứng thứ 3 là máy móc, thiết bị (đạt 31,77 tỷ USD) và vượt xa so với các nhóm hàng còn lại.
Lĩnh vực nông nghiệp ngoài một số mặt hàng kể trên còn góp mặt nhiều nhóm hàng như thủy sản, rau quả, cà phê, hạt điều, gạo, cao su.
Nhìn chung, những tháng qua, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng khá và đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đến 15/11, còn nhiều nhóm hàng ngấp nghé kim ngạch 1 tỷ USD, do đó, hết năm 2021, số lượng nhóm hàng xuất khẩu đạt dấu mốc này của nước ta sẽ chưa dừng lại ở con số 32.