Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu cho biết, trong tháng 11 cả nước xuất siêu 1,27 tỷ USD. Theo đó, luỹ kế 11 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu gần 1,5 tỷ USD trong 11 tháng.
Kết quả, kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng đạt 602 tỷ USD. Trong đó, luỹ kế 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 301,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 46,7 tỷ USD.
Dự báo về tình hình xuất nhập khẩu năm nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng nặng nề và chưa từng có từ dịch Covid-19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt trên 545 tỷ USD.
“Dự báo năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế”, Bộ trưởng cho hay.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia phân tích của VNDirect vô cùng lạc quan về triển vọng của xuất khẩu Việt Nam trong năm 2022 do thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác vào năm 2022.
Một yếu tố khác cũng sẽ tác động đến triển vọng của xuất khẩu đó là chi phí vận chuyển. Dự kiến, chi phí vân chuyển sẽ dần bình thường hóa từ cuối năm 2021 nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao, cũng như tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021.
Theo đó, chi phí vận tải hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt là sang thị trường Mỹ và châu Âu.
“Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao, tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ vào năm 2022. Xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022”, báo cáo của VNDirect nhận định.
Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích của Agriseco cho biết, xuất khẩu đang tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong quý 4/2021 và năm 2022 nhờ nhu cầu quốc tế hồi phục mạnh. Điều này tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng: Dệt may, Gỗ, Sắt thép, Thủy sản.
Thuỷ sản
Năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thị trường nhập khẩu phục hồi, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người nông dân sẽ thúc đẩy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản.
Ngoài ra, chi phí vận tải đang có xu hướng giảm sau khi tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2021, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
“Những yếu tố này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gia tăng doanh thu cũng như biên lợi nhuận ròng, hứa hẹn một thời kỳ tươi sáng cho ngành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường”, báo cáo VNDirect nhận định.
Dệt may
Các chuyên gia kỳ vọng triển vọng của ngành dệt may Việt Nam vào năm 2022 sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của Hoa Kỳ và E.U. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 4,9% vào năm 2022, và nhu cầu dệt may thế giới trong năm 2022 sẽ quay trở lại mức 2019, đạt khoảng 740 tỷ USD.
Ngoài ra, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 38 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ trong năm 2022; và 43 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Gỗ
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ vẫn tăng trưởng tốt, nhờ sức mua tăng đáng kể từ thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,..
Tính chung 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Về triển vọng về xuất khẩu của nhóm hàng gỗ, báo cáo của Agriseco nhận định, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất tại Việt Nam và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt khi khi Việt Nam hiện là lựa chọn hàng đầu cho sự thay thế đồ nội thất Trung Quốc, với vị trí đứng thứ 2 trên thế giới về thị phần xuất khẩu gỗ nội thất.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp thuế nhập khẩu lên gỗ nội thất ở Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn tại Mỹ do chiến tranh thương mại.
Ngoài ra, nhu cầu xây dựng bất động sản và sửa chữa nội thất tăng cao sau khi nền kinh tế phục hồi cũng sẽ là một yếu tố thúc đẩy sản lượng tiêu thụ gỗ trên toàn cầu và đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ.
Sắt thép
Các chuyên gia đánh giá, Nnhu cầu thép của các thị trường xuất khẩu sẽ vẫn ở mức cao cho đến quý 1/2022. Nguyên nhân do các nền kinh tế lớn thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là Mỹ. Cụ thể, dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD ở Mỹ sẽ làm tăng nhu cầu thép khoảng 5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022-2025. Bên cạnh đó, Trung Quốc giảm sản xuất thép và hạn chế xuất khẩu để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải.